SỨC MẠNH CỦA SỰ LIÊN KẾT
Tin tức

Tin tức

Cơ chế, chính sách giúp TP.HCM nâng cao năng lực R&D
07/05/2024
TP.HCM đang nổi lên như một trung tâm quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Để nâng cao năng lực R&D cho Thành phố, cần tạo nguồn nhân lực phù hợp cả về chất lượng và số lượng, xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu, đồng thời hợp tác chuyển giao công nghệ.

TP HCM khuyến khích doanh nghiệp FDI lập trung tâm R&D - Báo VnExpress
 
Xếp thứ hai trong Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023, TP.HCM thể hiện năng lực đổi mới và phát triển công nghệ mạnh mẽ, chỉ đứng sau Hà Nội. Thành tựu này nêu bật trọng tâm chiến lược của Thành phố trong việc tăng cường hạ tầng khoa học và công nghệ, cũng như thúc đẩy hệ sinh thái thuận lợi cho nghiên cứu và đổi mới.
 
Mặc dù có các sáng kiến chiến lược và xếp hạng cao, nhưng Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn về năng lực R&D. Hiện nay, Việt Nam chỉ đầu tư 0,4% GDP cho R&D, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác. Khoản đầu tư chưa tương xứng này, cùng với cách tiếp cận phân tán, đang hạn chế tiềm năng đổi mới mang tính đột phá. Hơn nữa, còn khoảng cách đáng kể trong đào tạo nhân lực trình độ cao và thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn có khả năng thực hiện các dự án R&D lớn.
 
Trong bối cảnh đó, cần có các giải pháp nâng cao năng lực R&D. Dưới đây là số ý kiến về vấn đề này.
 
Tăng cường phát triển và thu hút nhân tài
 
Để nâng cao năng lực R&D của Thành phố, ưu tiên số một là xây dựng nguồn nhân lực phù hợp cả về chất lượng và số lượng. Điều này đòi hỏi cách tiếp cận nhiều mặt.
 
Một là, đổi mới giáo dục và đào tạo nâng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Việc tăng cường giáo dục các lĩnh vực STEM từ bậc mầm non đến trình độ đại học là rất quan trọng. Điều này bao gồm việc cập nhật chương trình giảng dạy để phản ánh nhu cầu hiện tại của ngành, kết hợp kinh nghiệm học tập thực tế và thực hành, đồng thời thúc đẩy tư duy phê phán và đổi mới.
 
Các trường cũng nên mở rộng đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực mới nổi như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và công nghệ bán dẫn.
 
Ngoài ra, cần chú trọng phát triển toàn diện, trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm cần thiết để làm việc trong môi trường R&D.
 
Hai là, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và ngành công nghệ. Xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức giáo dục và ngành công nghệ để có thể đảm bảo rằng, các kỹ năng được giảng dạy phù hợp với những gì cần thiết trong các trung tâm R&D. Các chương trình thực tập, bài giảng của các chuyên gia trong ngành và các dự án nghiên cứu chung có thể cung cấp cho sinh viên trải nghiệm và hiểu biết sâu sắc về thế giới thực.
 
Ngoài ra, khuyến khích hợp tác với các trường đại học và tổ chức nghiên cứu quốc tế để giao lưu, kết nối. Các chương trình trao đổi, sáng kiến nghiên cứu chung và hội nghị giúp chia sẻ kiến thức và thực tiễn tốt nhất. TP.HCM có thể đưa ra các chính sách về xây dựng hệ sinh thái hợp tác như Thung lũng Silicon - nơi thiết lập quan hệ đối tác chính thức giữa các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và các ngành công nghiệp để tạo ra một hệ sinh thái tích hợp thúc đẩy đổi mới từ ý tưởng đến thương mại hóa.
 
Ba là, chính sách và hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhằm thu hút nhân tài. Các cơ quan quản lý có thể cung cấp các ưu đãi cho đầu tư R&D, tạo ra các chính sách thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp công nghệ, đầu tư vào các khu công nghệ và vườn ươm công nghệ. Các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các công ty nước ngoài và địa phương cũng có thể mang lại lợi ích. Bên cạnh đó, TP.HCM có thể đưa ra các chính sách ưu đãi thu hút nhân tài, như hỗ trợ tài chính, nhà ở, bảo hiểm..., nhằm thu hút nhân tài trong và ngoài nước tham gia các trung tâm R&D.
 
Việc nâng chất và lượng nguồn nhân lực Việt Nam để tham gia các trung tâm R&D là một nhiệm vụ quan trọng, cần có sự nỗ lực của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Nếu thực hiện tốt những giải pháp nêu trên, TP.HCM sẽ có thêm nhiều nhân lực chất lượng cao phục vụ nền kinh tế nói chung và tham gia các trung tâm R&D nói riêng, góp phần thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế địa phương.
 
Xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu, đổi mới vững mạnh
 
Nhân lực mạnh cần một hệ sinh thái mạnh với những trung tâm R&D tiên tiến và hoạt động R&D sôi nổi. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các hoạt động R&D, giảm quan liêu và thiết lập các khung pháp lý rõ ràng sẽ giúp tăng cường sự thuận tiện trong kinh doanh và thu hút đầu tư vào R&D nhiều hơn. Chính quyền Thành phố có thể đưa ra các ưu đãi thuế và trợ cấp đầu tư hấp dẫn cho các hoạt động R&D được thực hiện trong địa bàn Thành phố. Đặc biệt, cần tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ những thành quả đổi mới sáng tạo được phát triển ở địa phương.

Phát triển các khu công nghệ và trung tâm đổi mới xung quanh các trung tâm R&D cũng là một cách tiếp cận hiệu quả. Qua đó, Thành phố có thể thu hút các công ty khởi nghiệp và các công ty nhỏ hơn tạo ra một hệ sinh thái để họ có thể trao đổi ý tưởng và tăng cường hợp tác. Lấy ví dụ ở Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã triển khai mô hình này rất tốt.
 
Bên cạnh đó, Thành phố có thể tạo điều kiện phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương để họ có thể trở thành một phần của chuỗi cung ứng cho các trung tâm R&D. Ngoài ra, TP.HCM cũng có thể thành lập quỹ chuyên dụng để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các dự án R&D có rủi ro cao, mang lại lợi nhuận cao, như mô hình ưu đãi tăng cường của Chính phủ Singapore. Qua đó, có thể kích thích tinh thần khởi nghiệp ở địa phương và tạo ra hiệu ứng cấp số nhân trong nền kinh tế.
 
Đặc biệt, Thành phố nên tập trung vào các công nghệ mới nổi bằng cách ưu tiên thu hút các trung tâm R&D trong các lĩnh vực như AI, blockchain, vật liệu tiên tiến, năng lượng tái tạo và ngành bán dẫn bằng cách cung cấp hỗ trợ có mục tiêu, hạ tầng và khả năng tiếp cận vốn mạo hiểm. Phù hợp với xu hướng thế giới, cần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu có trách nhiệm với môi trường và lồng ghép các cân nhắc về tính bền vững vào hoạt động R&D.
 
Cuối cùng, nhưng không thể thiếu, đó là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, như Internet tốc độ cao, nguồn điện ổn định, mạng lưới giao thông... để hỗ trợ nhu cầu của các ngành công nghệ cao và hoạt động R&D. Hạ tầng nghiên cứu ở các trường đại học và tổ chức công cũng cần được cải thiện, bao gồm việc cung cấp quyền truy cập vào các công cụ nghiên cứu và công nghệ tiên tiến.
 
Thúc đẩy chuyển giao công nghệ và hợp tác kiến thức
 
Các trung tâm R&D được thành lập bởi các tập đoàn lớn trên toàn cầu như Samsung, Intel và Microsoft đang mang đến cơ hội vàng để thúc đẩy phát triển kinh tế và công nghệ cao tại Việt Nam.
 
TP.HCM có thể khuyến khích các trung tâm R&D và các trường đại học/tổ chức nghiên cứu địa phương hợp tác trong các dự án giải quyết các ưu tiên quốc gia trong các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế và năng lượng tái tạo để thúc đẩy trao đổi kiến thức và trang bị cho các nhà nghiên cứu địa phương kiến thức chuyên môn tiên tiến.
 
Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ do các trung tâm R&D phát triển sang các công ty Việt Nam thông qua các thỏa thuận cấp phép, liên doanh và các chương trình ươm tạo công nghệ. Điều này đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong các ngành công nghiệp địa phương.
 
Thành phố có thể bồi dưỡng văn hóa khởi nghiệp như mô hình mà TP. Tel Aviv (Israel) đang thực hiện thông qua chính sách thúc đẩy tư duy kinh doanh thông qua các chương trình giáo dục và cộng đồng khuyến khích chấp nhận rủi ro và đổi mới. Đồng thời, có thể thực hiện các cơ chế để triển khai các chương trình tăng tốc và cố vấn nhằm kết nối các doanh nhân mới chớm nở với các nhà lãnh đạo và nhà đổi mới kinh doanh giàu kinh nghiệm.
 
Thiết lập các chương trình trao đổi nhà nghiên cứu, kỹ sư giữa các trung tâm R&D và các tổ chức địa phương, nhằm giúp người lao động tiếp cận được những thông lệ quốc tế tốt nhất và thúc đẩy văn hóa đổi mới.
 
Phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của Khu công nghệ cao TP.HCM
 
Mặc dù Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đóng vai trò quan trọng trong phát triển R&D tại Thành phố, nhưng vẫn tồn tại một số khó khăn như hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện, hạ tầng chưa đáp ứng, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, liên kết giữa các doanh nghiệp và trường đại học/viện nghiên cứu còn hạn chế, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp R&D chưa đầy đủ. Do đó, Thành phố cần có cơ chế, chính sách đặc thù dành cho SHTP trong tổng thể các chính sách đã nêu ở trên. Từ đó, SHTP trở thành nơi ươm mầm cho các dự án R&D của Thành phố và phát triển hết tiềm năng và định hướng của Thành phố trong việc góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho TP.HCM.
 
Bằng cách thực hiện các chiến lược trên, TP.HCM có thể xây dựng một hệ sinh thái công nghệ cao thịnh vượng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khẳng định là địa phương dẫn đầu về đổi mới trên cả nước. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, các nhu cầu và ưu tiên cụ thể của Thành phố sẽ thay đổi theo thời gian, đòi hỏi các cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải liên tục thích ứng. Điều mấu chốt nằm ở việc thúc đẩy môi trường hợp tác, nuôi dưỡng lực lượng lao động lành nghề và tạo ra môi trường thân thiện với doanh nghiệp để thu hút và duy trì đầu tư cho R&D.

TS. Chu Thanh Tuấn (Phó chủ nhiệm Nhóm ngành cử nhân kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam) 
Theo Báo Đầu tư

Tin tức khác