2024 là năm mà đất nước tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, định hình tương lai phát triển của đất nước.
Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy
Năm 2024 đã chứng kiến những sự thay đổi quan trọng của đất nước. Bắt đầu bằng việc kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, cùng với quyết tâm đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Đó là kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Ngay cả ở những thời khắc khó khăn nhất, nhưng Trung ương Đảng, mà hạt nhân lãnh đạo là Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn luôn giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Phải thật sự đoàn kết, thực sự gương mẫu, toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp chung - Đây là thông điệp, là yêu cầu luôn được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhấn mạnh.
Các đồng chí lãnh đạo chúc mừng đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 8/2024 - Ảnh VGP
Dưới góc nhìn về khoa học chính trị, thì hệ thống chính trị Việt Nam trong năm nay đã có những chuyển động đúng đường lối, đáp ứng yêu cầu tất yếu, khách quan mà thực tiễn đang đòi hỏi.
Năm nay, cả hệ thống chính trị đang vận hành với tinh thần mới, vận tốc mới nhằm tạo ra những động lực mới, hiệu năng mới để chuẩn bị đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là lời hiệu triệu đối với hơn 100 triệu người dân Việt Nam, là ý Đảng gặp lòng dân, cùng quyết tâm xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Để đưa Tổ quốc Việt Nam ta cất cánh, sánh vai cùng bạn bè năm châu thì không những đòi hỏi "những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi". Để đáp ứng được yêu cầu cấp bách này thì Đảng ta đang lãnh đạo thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Cuộc cách mạng ấy đang được tổ chức thực hiện hết sức khẩn trương và quyết liệt với tinh thần cách mạng: "Không thể chậm trễ hơn được nữa".
Đây là đợt sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được thực hiện với quy mô lớn chưa từng có, tác động đến toàn bộ hệ thống chính trị, đến mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.
Hành động quyết liệt, không do dự từ Trung ương tới các địa phương dù đây là vấn đề rất nhạy cảm. Từ khối Đảng, Khối Quốc hội, Khối Chính phủ, khối Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đang được sắp xếp, tinh gọn theo phương châm "Vừa chạy vừa xếp hàng".
Từng nhiệm vụ tiến độ thực hiện và ngày giờ cần hoàn thành, báo cáo được ấn định cụ thể. Từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới đến nay, hệ thống chính trị của nước ta đã trải qua 4 lần sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nhưng chưa bao giờ, một việc rất khó như vậy lại được tổ chức thực hiện trên quy mô lớn, tác động sâu rộng như lần này, đúng với nghĩa của từ cách mạng.
Đây là được coi là thời điểm đã chín muồi để thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy để đất nước phát triển. Với thành tựu của gần 40 đổi mới, đất nước ta đã đủ thế và lực, kinh nghiệm và bài học từ thực tiễn để đưa công cuộc đổi mới lần thứ 2. Bởi đây là đòi hỏi tất yếu khách quan của thực tiễn đất nước. Muốn giải phóng mọi nguồn lực, sức sản xuất thì phải thực hiện cách mạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, để thay đổi quản trị quốc gia theo hướng tối ưu hóa hiệu quả quản lý Nhà nước, tiết kiệm nguồn lực và hiện đại hóa bộ máy hành chính.
Yagi - Cơn bão đi vào lịch sử
Nắng nóng mở màn cho chuỗi thiên tai khắc nghiệt năm 2024. Tháng 4 năm nay đã trở thành tháng 4 nóng nhất trong 50 năm qua. Với 110 điểm nhiệt kỷ lục, lần đầu tiên trong lịch sử, cả 3 miền đều nắng nóng như thiêu đốt trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Sau nắng nóng, sạt lở đất đã băm nát những ngọn núi ở Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai khi mưa lớn đột biến cứ liên tiếp trút xuống suốt tháng 6 và tháng 7. Chưa năm nào Hà Giang sạt lở nhiều như năm nay. Nửa quả núi ở huyện Bắc Mê đã đổ ập xuống, chỉ trong vài phút đã cướp đi sinh mạng của 11 người.
Còn ở Quảng Bình, đợt mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng do bão Trà Mi (bão số 6) gây ra cũng khiến 12 người thiệt mạng, gần 34.500 nhà dân bị chìm trong biển nước. Đây là trận lũ lớn thứ 2 trong 4 năm qua, sau trận lũ tháng 10/2020.
Ám ảnh nhất là liên hoàn thiên tai do siêu bão Yagi - bão số 3 gây ra cho miền Bắc. Hàng chục nghìn cây xanh bị gây đổ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, mưa lũ diện rộng từ ven biển đến vùng núi cao, rồi lũ lụt từ vùng núi cao xuống đồng bằng, ven biển, lớn nhất 30 năm qua và sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng ở Lào Cai, Yên Bái… đã cướp đi sinh mạng của 345 con người.
Làng Nủ sau trận sạt lở đất, lũ quét kinh hoàng
Tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, sau trận sạt lở đất, lũ quét kinh hoàng buổi sáng định mệnh ngày 10/9/2024, mảnh đất bình yên nép mình giữa những ngọn núi cao hùng vĩ vùng Tây Bắc đã trở nên tan hoang, đổ nát.
Cho tới bây giờ, khi mà bão Yagi đã đi qua được hơn 3 tháng, nhiều vùng đất vẫn còn ngổn ngang chưa thể khắc phục xong hậu quả, những nỗi đau mất mát vẫn chưa thể nguôi ngoai.
Sự sống vẫn tiếp tục hồi sinh sau cơn lũ dữ tưởng chừng không thể vượt qua. 40 căn nhà sàn đã được khánh thành trên đồi Sim là minh chứng cho tình đoàn kết dân tộc để giúp những người dân làng Nủ bắt đầu một cuộc sống mới.
Lá cờ Tổ quốc và dòng chữ "Tiến tới hạnh phúc" tại trung tâm khu tái định cư được tạo hình từ 6000 gốc hoa chính là thể hiện cho tinh thần lạc quan và hy vọng của những người dân nơi đây.
Yagi chắc chắn sẽ là cơn bão đi vào lịch sử, bởi thiệt hại hết sức nghiêm trọng mà nó gây ra đối với 26 tỉnh, thành phía Bắc nước ta và nhiều nước Đông Nam Á khác.
Bão số 3 cũng nắm giữ kỷ lục là cơn bão tăng cấp độ nhanh nhất trong lịch sử Khí tượng Việt Nam, chỉ mất khoảng 2 ngày sau khi vào biển Đông bão đã từ cấp 8 lên siêu bão cấp 16, giật trên cấp 17.
Khi đi vào đất liền miền Bắc, bão đã gây ra chuỗi thiên tai liên hoàn khắc nghiệt chưa từng có trong lịch sử. Hơn nửa ngày, gió bão đã tàn phá trên 26 tỉnh, thành miền Bắc. Quảng Ninh, Hải Phòng là nơi hứng chịu gió bão mạnh nhất cấp 13 - 14, giật tới cấp 17, tương đương sức gió 220 km/h.
Hoàn lưu mây ẩm rộng lớn của bão còn gây ra một đợt mưa lớn bất thường ở miền Bắc. 83/84 trạm ghi nhận lượng mưa cao gấp 4 - 6 lần trung bình nhiều năm, có nơi lượng mưa đo được trên 700 mm chỉ trong 2 ngày. Mưa quá lớn, đã gây ra lũ lớn trên diện rộng lịch sử ở miền Bắc. Sông Thao, sông Cầu, sông Ninh Cơ, sông Kinh Môn, sông Gùa, sông Trà Lý lũ lên lịch sử.
Với từng ấy trận mưa lũ kinh hoàng xảy ra nhưng thật khó tin đến tận gần hết năm 2024 rồi mà La Nina - hiện tượng được dự báo sẽ gây mưa nhiều sau hiện tượng Elnino chưa xảy ra. Pha chuyển tiếp giữa El nino và La Nina lần này thực sự vô cùng khắc nghiệt. Trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đã từng có 3 - 4 cơn bão xuất hiện cùng lúc, sau đó liên tiếp đi vào biển Đông. Hiện tượng này vẫn có thể xảy ra trong năm 2025 tới đây, vì năm nay, nhiệt độ bề mặt trái đất đã tăng vượt ngưỡng biểu tượng 1,5 độ C, khiến nhiệt độ nước biển tăng lên, bão rất dễ hình thành và tăng cấp nhanh hơn.
Những siêu bão mạnh như Yagi hay Helen cũng là những mối lo ngại hàng đầu, khi trái đất tiếp tục nóng lên. Các nhà khoa học đã ví nước biển ấm như nhiên liệu cho các cơn bão nhiệt đới. Nếu nhiệt độ bề mặt trái đất tăng trung bình 2 độ C, thì tốc độ gió của bão sẽ tăng 10%.
Mưa lớn dị thường hàng trăm mm trút xuống trong 1 ngày cũng gia tăng tần suất. Dù chỉ cục bộ nhưng lại gây ra sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng như ở Hà Giang hay Valencia của Tây Ban Nha.
Là đất nước "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa" từ nhiều đời nay, mỗi người Việt Nam chúng ta có tố chất linh họat ứng phó với thiên tai. Nhưng việc thích ứng với thiên tai do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu một cách bài bản, gắn kết giữa từng cá nhân với cộng đồng, với thôn, xóm, tỉnh, thành và cấp quốc gia thì vẫn còn là hành trình dài với nhiều khó khăn, tồn tại cần phải sớm khắc phục.
Kinh tế Việt Nam trước những "cơn gió ngược"
Cơn bão Yagi có thể coi là cơn bão lịch sử gây thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay. Ấy vậy mà vượt qua khó khăn, rất nhiều người từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công chức, viên chức, người lao động, nhà doanh nghiệp, công nhân, nông dân đã cố gắng làm việc hết mình để gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia đạt được kết quả phát triển kinh tế tốt.
Một số tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam đã nỗ lực phi thường trong khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và họ đặt niềm tin vào sức chống đỡ dẻo dai của Kinh tế Việt Nam trước những "cơn gió ngược".
Nông nghiệp xuất siêu, các thị trường xuất khẩu hàng hóa khác phục hồi đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay hướng tới mốc 800 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, tăng 15% so với năm ngoái và cao gần gấp 2,5 lần so với mục tiêu. Đây là năm thứ 9 liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, khoảng gần 25 tỷ USD.
Sau 4 năm, vất vả hồi phục sau đại dịch Covid-19, năm nay, du khách nước ngoài đến nước ta dự kiến đạt 18 triệu lượt người, tăng 43% so với năm trước, bằng với mức trước đại dịch Covid-19. Những chuyến bay từ Việt Nam ra thế giới rồi lại đưa thế giới đến với Việt Nam liên tục cất cánh.
Năm nay cũng là năm thành công của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với trên 32 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 15 nước đang phát triển thu hút nguồn vốn này lớn nhất thế giới. Số vốn giải ngân – một thước đo hiệu quả của dòng vốn này ước tính khoảng 25 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giải ngân cao nhất 5 năm qua.
Việt Nam được cả thế giới chú ý, sau khi tập đoàn công nghệ toàn cầu NVIDIA hợp tác thành lập 2 trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 trung tâm nghiên cứu phát triển Trí tuệ nhân tạo toàn cầu của NVIDIA.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang chứng kiến ký kết và trao Thoả thuận giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - đại diện Chính phủ Việt Nam và ông Jay Puri, Phó Chủ tịch Điều hành Phụ trách Hoạt động Toàn cầu NVIDIA - Ảnh: VGP
Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục phát huy tinh thần dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường để chiếm lĩnh thị phần nội địa. Trong đó, lần đầu tiên, một nhà chế tạo ô tô trong nước đã vượt xa mọi đối thủ lâu năm trong ngành, chiếm lĩnh thị phần lớn nhất, tạo nên cột mốc đáng tự hào cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và ngành ô tô thế giới.
Sự trỗi dậy của những tập đoàn công nghiệp, khoa học, công nghệ với hoài bão lớn và khát vọng phát triển sẽ đưa các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững, đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Những con đường đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới
Quyết tâm chính trị, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành cùng với sự nỗ lực không quản ngày đêm của hàng chục nghìn công nhân, kỹ sư trên các công trình xây dựng lớn, trọng điểm quốc gia, nhất là tuyến cao tốc Bắc - Nam, nên cho tới hết năm nay, đất nước ta đã có trên 2000 km đường bộ cao tốc.
Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến 2025, cả nước có 3000 km cao tốc; đến 2030 có 5.000 km cao tốc để tạo không gian, động lực phát triển mới. Không khí thi đua đang diễn ra sôi nổi trên các công trường của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 dài hơn 700km, để đạt được mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc trước ngày 31/12 năm sau.
Minh chứng cho thấy đã có những dự án lớn, quan trọng, hoàn thành trong thời gian kỷ lục nhờ sức mạnh tổng hợp của tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng quyêt tâm của nhân dân. Dự án đường dây 500kv mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối là một ví dụ.
Đường dây 500kV mạch 3 đã hoàn thành, đủ điều kiện đóng điện toàn tuyến đã lập nên " kỳ tích" mới của ngành điện Việt Nam - Ảnh:VGP
Công trường Dự án 500kv mạch 3 ở những nơi được gọi là "Túi mưa chảo lửa" không chỉ có màu áo cam của những công nhân kỹ sư điện lực, mà có cả màu áo xanh của người lính cụ Hồ, của lực lượng công an, của màu áo của các tổ chức đoàn thể như Thanh niên tình nguyện… Đặc biệt là sự đồng lòng quyết tâm của nhân dân tại 9 tỉnh có dự án đi qua. Tất cả đều sẵn sàng nhường đất, nhường nơi chôn rau cắt rốn nhiều đời để tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thi công dự án.
Nếu đường dây 500KV là huyết mạch mang dòng điện đến khắp mọi miền tổ quốc thì đường sắt tốc độ cao vừa được thống nhất chủ trương đầu tư sẽ là tuyến huyết mạch giao thông, tạo đòn bẩy để kinh tế Việt Nam vươn mình.
Dự án sẽ tạo ra thị trường xây dựng khổng lồ 33,5 tỷ USD, đồng thời thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiêp trong nước khẳng định vị trí và nội lực, tự tin tạo ra kỳ tích mới.
Với tốc độ 350km/h của tàu tốc độ cao, người dân sẽ chỉ mất 5 tiếng rưỡi để đi từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, nhanh gấp 6 lần nếu đi đường sắt hiện nay. Nhanh chóng, hiện đại, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, góp phần giảm áp lực hạ tầng ở các đô thị lớn.
Tàu tốc độ cao không chỉ rút ngắn khoảng cách về địa lý, thời gian đi lại giữa các địa phương mà còn là một cuộc cách mạng của ngành đường sắt có tuổi đời trên 100 năm của nước ta. Đây cũng sẽ là một trong những con đường đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.
Lần đầu tiên phương thức sản xuất số được xác lập
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cùng với các hạ tầng vật lý như hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, nước… thì sự phát triển của hạ tầng số cũng là yếu tố quan trọng.
Nếu trước đây, có rất nhiều dòng điện thoại 2G được bày bán trong những tủ kính này thì bây giờ, chúng đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là những chiếc điện thoại 4G, chủ yếu là điện thoại thông minh. Việc Việt Nam chính thức tắt sóng 2G vào năm nay không chỉ giúp giải phóng băng tần dành cho công nghệ cũ, chuyển sang dùng công nghệ mới cao hơn như 4G, 5G, mà còn góp phần thúc đẩy người dân tham gia môi trường số, tận hưởng các tiện ích mà internet mang lại.
Tính đến tháng 12 năm nay, tốc độ Internet Việt Nam đã xếp thứ 43 trên thế giới, tăng 8 bậc sau khi mạng 5G được thương mại hoá, mang lại nhiều tiện ích bất kể họ là ai, làm gì và ở đâu. Việt Nam cũng là một trong 5 nước đầu tiên sản xuất được thiết bị mạng 5G, sau Thụy Điển, Phần Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Năm 2024 đánh dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên, phương thức sản xuất số được xác lập. Lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số. Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành trong những ngày cuối năm, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm của Đảng trong thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nhiều dịch vụ công trực tuyến, trong đó có những dịch vụ công trực tuyến toàn trình tiếp tục được triển khai. Việt Nam mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc.
Làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị để phát triển đất nước
Những năm qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cùng cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ, với hàng loạt vụ án lớn được đưa ra xét xử. Năm nay, tinh thần ấy vẫn không những không ngừng, không nghỉ. Minh chứng rõ ràng là việc cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 410 tổ chức đảng và hơn 17.500 đảng viên trong năm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 26 tổ chức đảng và 71 đảng viên. Những con số này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong công cuộc làm trong sạch và vững mạnh tổ chức Đảng.
Chưa bao giờ, Bộ Chính trị thi hành kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao của Đảng như năm nay. Thể hiện rõ nét, mọi cán bộ, đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng.
Trung ương kỷ cương, làm gương, địa phương thực hiện nghiêm. Nhiều tỉnh, cả Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng nhiều Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh bị xử lý kỷ luật Đảng và xử lý hình sự.
Các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực đã được phát hiện, điều tra xử lý nghiêm với phương châm "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", tài sản bị chiếm đoạt được thu hồi tối đa.
Trong năm qua, tiếp tục có nhiều cán bộ nghiêm khắc nhận trách nhiệm chính trị, tự nguyện từ chức, nhận khuyết điểm khi có sai phạm. Tuy nhiên, điều này không làm Đảng yếu đi, mà ngược lại càng củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng. Mọi người đều mong muốn Đảng tiếp tục thực hiện nghiêm minh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực, nhằm đạt mục tiêu "làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị, để phát triển đất nước".
Niềm tin ấy cũng đã được thể hiện rõ nhất trong ngày mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân
Người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc, những người bạn quốc tế… đều rơi nước mắt, tiếc thương một nhân cách lớn, người luôn coi "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất", người chiến sĩ cộng sản luôn giữ vững nguyên tắc, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân, "chí công vô tư".
Sóng gió với các nhà đầu tư tài chính
Trong năm qua, sóng gió cũng lan đến các nhà đầu tư tài chính. Những biến ảo khôn lường của các thị trường đã tác động tiêu cực đối với các nhà đầu tư.
Vốn ít, không cần kỹ thuật nhiều, sinh lời nhanh là những lời quảng cáo bùi tai khiến những người có chút vốn là tiền tiết kiệm hay đi vay đã thiệt hại vì đã chót tham gia vào các sàn đầu tư trên mạng.
Theo khảo sát của Trip A, Việt Nam là 1 trong nước thứ 2 trên thế giới có giá trị giao dịch tiền kỹ thuật số (hay còn gọi là tiền ảo) lớn nhất, mỗi năm tương đương cả trăm tỷ USD.
Tiền chưa kịp đẻ ra tiền, thì đã ra đi. Lúc ấy mới biết, hóa ra là bị lừa. Bởi ở Việt Nam tiền kỹ thuật số là loại tài sản chưa được chính sách, quy định điều chỉnh, không thừa nhận, nhưng cũng không cấm, nên hàng loạt sàn tiền ảo đã được các đối tượng tạo ra để lừa đảo người đầu tư.
Tháng 7, đường dây giao dịch tiền ảo CBP với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng bị triệt phá, khoảng 5000 người bị hại được ghi nhận.
Không chỉ có tiền ảo, có rất nhiều nhà đầu tư bị choáng ngợp bởi những chuyên gia tài chính tự phong, nhà đầu tư chứng khoán quốc tế như Phó Đức Nam có biệt danh Mr Pips trên nền tảng mạng xã hội tiktok. Biệt thự, siêu xe, tiền tiêu cả quyển, cuộc sống xa hoa như ông hoàng bà chúa là những miếng mồi ngon để dụ những người thiếu may mắn sập bẫy.
Chân dung TikToker Mr Pips Phó Đức Nam
2700 nhà đầu tư trở thành bị hại, 5.200 tỷ đồng tài sản được thu giữ. Mọi giao dịch đánh lên/đánh xuống trên 22 sàn giao dịch hoàn toàn được những kẻ lừa đảo kiểm soát, với hàng nghìn nhân viên với hàng trăm kịch bản lừa đảo được dàn dựng.
Tưởng đầu tư vào sàn chứng khoán ở nước ngoài dễ lãi hơn chứng khoán trong nước, tưởng là đầu tư thật mà lại là lừa đảo.
Sóng gió trên các thị trường của thế giới đã tác động trực tiếp đến các nhà đầu tư chứng khoán ở trong nước.
Lãi suất đồng USD luôn giữ ở mức cao, trung bình khoảng 5%/ năm, điều này đã dẫn đến làn sóng hút tiền từ tất cả các thị trường trên toàn cầu từ thị trường phát triển như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc.. hay cho đến các thị trường mới nổi, thị trường cận biên khác. Trong ASEAN, thị trường chứng khoán của Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia và cả Việt Nam đều bị các nhà đầu tư nước ngoài "rút ròng", tức là bán ra nhiều hơn mua vào. Dù tại Việt Nam số tiền bị rút ròng trên thị trường chứng khoán thấp nhất trong khu vực, nhưng cũng đã có hơn 94 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 3,7 tỷ USD bị rút về.
Dù giá trị giao dịch của nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam chỉ chiếm 15% nhưng do các giao dịch chủ yếu là ở nhóm VN30, nhóm chiếm 70% vốn hóa toàn thị trường nên khi khối này rút ròng thì chỉ số VNINDEX không thể tăng điểm, thanh khoản thị trường sụt giảm đến 30% so với năm trước, điều này khiến nhà đầu tư khó có thể tăng được lợi nhuận.
Không có sóng, thanh khoản èo uột, khả năng sinh lời kém thị trường chứng khoán không giữ chân được nhà đầu tư, có rất nhiều người chân trước chân sau bước vào thị trường vàng.
Chưa bao giờ mà giá vàng lại tăng phi mã như thế, sau một ngày giá vàng tăng thêm vài triệu đồng 1 lượng. Thậm chí, ở một vài phiên đấu giá vàng miếng SJC, các mức giá cao chênh hàng chục triệu với vàng 9999 cùng chất lượng.
Để ổn định thị trường, NHNN đã phải tiến hành bán vàng qua các ngân hàng, rồi thậm chí tiến hành bán vàng trực tuyến, rồi mỗi người chỉ được mua 1 lượng vàng. Nhưng, việc để giá vàng SJC biến động phi lý, thậm chí có sự trục lợi thì Bộ Công an cho biết đã khởi tố 6 bị can về 2 tội danh "Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty SJC và các đơn vị liên quan.
Đến nay, giá vàng SJC đã gần như song song, có thời điểm còn thấp hơn cả giá vàng 9999, tuy nhiên vẫn còn những biến động khó lường vì phụ thuộc hoàn toàn vào biến động giá vàng thế giới với những yếu tố khó lường từ địa chính trị.
Năm qua, mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, càng thêm cơ hội cho người dân đi mua nhà, mua đất. Giá nhà chung cư tại các thành phố lớn bị đẩy lên cao, như Hà Nội có nơi tăng 25-30%. Lý do đưa ra cho việc tăng là khan hiếm nguồn cung. Nhưng đó là lời của người rao bán, chứ thực tế các giao dịch tại các trung tâm lớn nhất của Hà Nội thì giao dịch chủ yếu lại không phải là mua bán.
Không ăn được thì phá cho hôi, những kẻ đầu cơ trục lợi chuyển sang thao túng giá nhằm phá hoại những phiên đấu giá. Các mảnh đất giáp ruộng, giáp nhà dân được bỏ giá lên đến 30 tỷ đồng/m2. Con số không tưởng này đã thành công phá hỏng phiên đấu giá.
Liên tiếp có các vụ phá hoại tại vòng 6, rồi tại vòng 8 tại các phiên đấu giá khác nhau, nhưng các đối tượng vẫn có quyền nhận tiền cọc, những kẽ hở về quy chế đấu giá khiến không ít kẻ gian trục lợi.
Trong khi những người thực sự cần 1 căn nhà để ở mà không mua nổi, thì hàng nghìn nhà tái định cư, đại đô thị bỏ hoang trên cả nước, hàng nghìn dự án chậm tiến độ, hàng trăm nghìn ha đất bị quây tôn cả thập kỷ, lãng phí nguồn lực đất đai, lãng phí nguồn lực Nhà nước.
Các sản phẩm văn hóa lấy giá trị dân tộc là điểm tựa
Nếu nói về những dấu ấn trong lĩnh vực văn hóa thì không thể không nhắc tới việc năm qua, nhiều sản phẩm văn hóa, chương trình nghệ thuật đã thành công vang dội. Điều thú vị là điều làm nên thành công lại chính là những yếu tố mang bản sắc dân tộc, tôn vinh những giá trị truyền thống, truyền đi thông điệp về tinh thần tự hào dân tộc.
Những đêm nhạc hội với 100% nghệ sĩ Việt, quy mô hàng chục nghìn khán giả, nhanh chóng cháy vé - hiện tượng của công nghiệp văn hóa 2024.
Concert thứ 2 của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai
2024, còn là câu chuyện hàng chục ngàn người trẻ hòa giọng theo những ca khúc truyền thống, cuồng nhiệt với những màn trình diễn nhạc cụ dân tộc, tự hào với những giá trị Việt. Từ 1 hiện tượng giải trí, lại mở ra cái nhìn mới cho các sản phẩm văn hóa lấy giá trị dân tộc là điểm tựa.
2024, văn hóa trở thành điểm tựa thành công cho nhiều sản phẩm: từ âm nhạc, phim ảnh, sáng tạo nội dung số, trò chơi điện tử. Đó là nhà sáng tạo nội dung số làm video về câu chuyện lịch sử, có thể đi kèm với doanh thu từ những mặt hàng thủ công mỹ nghệ; dự án nghệ thuật kết hợp giữa tuồng cổ và nhạc điện tử có thể bán được hàng ngàn vé với mức giá cả triệu đồng. 4 trong số 10 phim Việt doanh thu phòng vé cao nhất năm thuộc về những bộ phim chuyển thể, khai thác chất liệu dân gian. 2024 cũng chứng kiến hiện tượng khán giả xếp hàng để xem 1 bộ phim với đề tài lịch sử cách mạng.
Khán giả xếp hàng để xem phim "Đào, phở và piano"
Những sự thành công có thể đong đếm bằng lợi nhuận khiến các nhà sản xuất, công ty giải trí mạnh tay đầu tư hơn cho các sản phẩm mang yếu tố văn hóa dân tộc.
Thành công với điểm tựa văn hóa dân tộc, khiến tham vọng xuất khẩu văn hóa Việt ra thế giới không còn là điều viển vông, khi người Việt đã tự tin và tự hào với sức mạnh nội tại.
"Phát triển công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam" là mục tiêu đã được đặt ra từ Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng xác định đẩy mạnh giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới. Bài học thành công từ các nước trong khu vực khi phát triển công nghiệp văn hóa, để lan tỏa sức mạnh mềm của quốc gia đang dần thành hiện thực tại Việt Nam.
Năm 2024, khán giả Việt cùng cười cùng khóc với những làn điệu dân ca trên sân khấu hàng vạn người. Năm 2024, những điểm đến ghi dấu ấn văn hóa, tự hào lịch sử trở thành điểm đến không thể bỏ qua của người trẻ.
Niềm tự hào dân tộc như 1 sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mỗi người, và được cộng hưởng nhờ những sản phẩm văn hóa bài bản, chuyên nghiệp, để giá trị Việt lan tỏa mạnh mẽ, như 1 trụ đỡ vững chắc về tinh thần của mỗi người.
Việc nâng tầm vị thế đất nước qua văn hóa cũng đòi hỏi một chiến lược dài hạn, sự đầu tư đúng đắn và sự phối hợp giữa các lĩnh vực văn hóa, kinh tế và ngoại giao. Bởi văn hóa không chỉ là di sản mà còn là "sức mạnh mềm", một công cụ quan trọng định hình vị thế quốc gia trong thế giới toàn cầu hóa.
Bản sắc văn hóa đặc sắc cũng là một trong những yếu tố góp phần vào những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong gần 95 năm qua. Người được thụ hưởng thành quả đó chính là mỗi người dân, gia đình, doanh nghiệp ở mỗi miền quê, vùng miền của đất nước, công việc, làm ăn, đời sống đều được nâng lên rõ rệt.
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu đã vươn lên lọt vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong nhóm 20 quốc gia trên thế giới. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%, năm nay Tổng sản phẩm trong nước của nước ta đạt 480 tỷ USD và năm tới trên phạm vi cả nước sẽ không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Năm 2025 đang gõ cửa mỗi gia đình, đây là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 80 năm Quốc khánh. Đây cũng là năm cả hệ thống chính trị sẽ thực hiện quyết liệt đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ của hệ thống chính trị "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả", là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, năm diễn ra Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, hiện thức hóa khát vọng trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng.