SỨC MẠNH CỦA SỰ LIÊN KẾT
Tin tức

Tin tức

Doanh nghiệp Việt dần tiến sâu vào ứng dụng AI
26/03/2024
Không chỉ dùng ChatGPT soạn email, sửa chính tả hoặc làm toán như giai đoạn trước, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong doanh nghiệp Việt dần chuyên nghiệp.
 
Để biết đàn dế nuôi có stress hay không, Cricket One - nhà sản xuất đạm dế lớn nhất Đông Nam Á có trang trại Bình Phước - bắt đầu tìm cách dùng trí tuệ nhân tạo (AI) từ 2019. Công ty này bỏ vốn vào một dự án startup để phát triển nền tảng AI dùng trong chăn nuôi loài côn trùng này.
Nền tảng bắt đầu được công ty thử nghiệm áp dụng từ 2020 tại trại nuôi lớn nhất. Đồng sáng lập kiêm Giám đốc phát triển kinh doanh Nguyễn Hồng Ngọc Bích (Bicky Nguyen) cho biết nền tảng đang trong giai đoạn máy học (machine learning) và đưa ra các khuyến nghị cảnh báo khá đúng.
"Chúng tôi đo được mật độ đàn dế thông qua hành vi di chuyển dọc - ngang của chúng. Các thông số về điều kiện sống giúp công ty nghiên cứu sâu, hiểu và ra quyết định chăm sóc dế bớt cảm tính hơn trước", bà Bích nói, thêm rằng AI cực kỳ hữu dụng cho ngành chăn nuôi sau này.

Ông Ngô Trọng Nghĩa, Nhà sáng lập, CEO Neo Development kể câu chuyện dùng trợ lý AI của công ty tại TP HCM ngày 11/3 nhân sự kiện của nền tảng bán sỉ Alibaba. Ảnh: Thục Văn

Ông Ngô Trọng Nghĩa, Nhà sáng lập, CEO Neo Development kể câu chuyện dùng trợ lý AI của công ty tại TP HCM ngày 11/3, nhân sự kiện của nền tảng bán sỉ Alibaba. Ảnh: Thục Văn
 
Hay như Neo Development cũng dùng AI để số hóa việc xuất khẩu các dụng cụ làm móng của họ qua nền tảng bán sỉ Alibaba. Công cụ này có tên Smart Assistant.
CEO Neo Development Ngô Trọng Nghĩa cho hay, trợ lý AI giúp ông cung cấp các thông tin phân tích thị trường, trả lời nhà mua hàng bằng ngôn ngữ của họ, hay soạn mô tả sản phẩm chuẩn công thức hút khách và đồ họa ảnh tiếp thị chuyên nghiệp.
"Nó không đòi tăng lương, uống cà phê hay buồn ngủ, nhưng trả lời được cùng lúc hàng trăm khách hàng, trong khi mình tiếp 10 người một ngày đã quá sức", ông nói. Neo Development ước tính công cụ AI giúp giải phóng 40% thời gian và nguồn lực. Hiện công ty nhận 3 - 4 đơn hàng xuất khẩu qua Alibaba mỗi tháng.
 
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ tại Việt Nam gần đây cũng tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI). Nghiên cứu do hãng công nghệ thanh toán Visa mới công bố cho biết nhiều đơn vị bán lẻ đang tích cực ứng dụng để mang đến trải nghiệm mua sắm mới cho người dùng, từ đó thúc đẩy doanh thu.
Sự tích cực này đến từ việc có đến 86% khách hàng được hỏi tại Việt Nam nói từng biết đến ứng dụng GenAI trong bán lẻ. Các lý do chính nó được ủng hộ, như cho biết nơi có giá tốt, tìm kiếm và cung cấp thông tin sản phẩm, tóm tắt và gợi ý mua sắm nhanh, cũng như hỗ trợ tư vấn xu hướng mới.
"Các nhà bán lẻ đang chào mặt hàng gần với nhu cầu cá nhân hóa hơn và đứng đằng sau nó là các ứng dụng GenAI", bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết.

Ông Bùi Hải Hưng, Người sáng lập kiêm Tổng giám đốc VinAI phát biểu tại sự kiện ở TP HCM hôm 14/3. Ảnh: Bloomberg Businessweek Việt Nam

Ông Bùi Hải Hưng, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc VinAI phát biểu tại sự kiện ở TP HCM hôm 14/3. Ảnh: Bloomberg Businessweek Việt Nam
 
Thực tế, AI được đặt vấn đề phát triển từ những năm 1950 của thế kỷ trước, nhưng tới khi nền tảng ChatGPT của OpenAI trình làng, thế giới mới thực sự chứng kiến cú bùng nổ. Từ đó, trí tuệ nhân tạo dần quen thuộc với doanh nghiệp và người dùng.
Ông Bùi Hải Hưng, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc VinAI (VinGroup) cho hay công nghệ này đã phát triển đến bước máy móc có thể tạo nội dung tiếp thị, hình ảnh, giao tiếp rất tốt và cả tự lập trình.
"AI sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta kinh doanh trong tương lai. Nhưng các nhà ra quyết định chưa hiểu hết tác động, công nghệ đằng sau nó và áp dụng ra sao", ông Hưng nhận định tại một hội thảo gần đây.

Theo một nghiên cứu công bố đầu năm nay của PwC (một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới), 41% CEO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (gồm khảo sát tại Việt Nam) thừa nhận chưa áp dụng GenAI tại công ty trong 12 tháng qua. Nhưng nhiều CEO lạc quan về triển vọng của công nghệ này trong một năm tới. Hơn hai phần ba dự đoán GenAI sẽ tác động đáng kể đến công ty, lao động và thị trường của họ trong 3 năm tới.
Hãng kiểm toán này khuyến nghị doanh nghiệp nên xem lại chiến lược, định vị GenAI đóng vai trò thế nào trong quản trị, năng lực vận hành và tốc độ đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường. Cùng với đó, có chiến lược về lao động.

Nhưng GenAI cũng có điểm trừ khi doanh nghiệp ứng dụng nó. 
Khi đánh giá rủi ro liên quan đến GenAI, PwC cho biết các CEO châu Á - Thái Bình Dương lo ngại về rủi ro an ninh mạng gia tăng (49%), lan truyền thông tin sai lệch (44%).
Bà Đặng Tuyết Dung đặt vấn đề về "đạo đức dữ liệu", khi một số người dùng chưa thực sự thoải mái trong trường hợp các tổ chức thu thập dữ liệu của họ để dùng cho AI. "Do đó, vấn đề đạo đức dữ liệu phải được cam kết, khung pháp lý của Việt Nam cũng cần chi tiết, rõ ràng hơn", bà Dung nói.
Ông Bùi Hải Hưng, cũng đánh giá rào cản chính của AI ngoài chi phí còn có mối bận tâm về bảo mật dữ liệu và tiêu thụ năng lượng. Ví dụ, một tấm ảnh do AI tạo ra sẽ tốn lượng điện tương đương pin một chiếc điện thoại. Các điểm yếu kể trên của AI kỳ vọng sẽ dần cải thiện theo tiến bộ công nghệ.
Dù vậy, CEO này vẫn lạc quan, bởi "có thêm công cụ AI thì hiệu quả làm việc cải thiện hơn rất nhiều".

Viễn Thông
Theo Vnexpress

Tin tức khác