Nghiên cứu so sánh hiệu quả giữa
kết hợp hai loại vắc xin với việc tiêm 2 liều vắc xin Pfizer hoặc AstraZeneca như thông thường.
Kết quả: Cả hai kiểu phối hợp, tiêm vắc xin Pfizer trước rồi đến AstraZeneca hoặc ngược lại đều hoạt động tốt, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
Cụ thể:
Tiêm vắc xin AstraZeneca trước và vắc xin Pfizer sau tạo ra kháng thể và phản ứng tế bào T cao hơn là tiêm vắc xin Pfizer trước, AstraZeneca sau.
Cả hai cách kết hợp vắc xin đều tạo ra lượng kháng thể cao hơn so với sử dụng 2 liều vắc xin AstraZeneca.
Đáp ứng kháng thể cao nhất trong trường hợp tiêm cả hai liều bằng vắc xin Pfizer nhưng đáp ứng tế bào T cao nhất khi kết hợp tiêm mũi đầu với vắc xin AstraZeneca và mũi sau với vắc xin của Pfizer.
Theo các chuyên gia, sự khẳng định này tạo ra sự linh hoạt cho các chiến dịch tiêm vắc xin đang diễn ra.
Nhiều nước đã cho kết hợp tiêm hai loại vắc xin khác nhau. Theo Đài BBC, Tây Ban Nha, Đức... cho người trẻ đổi sang tiêm mũi thứ hai với vắc xin công nghệ mRNA của Pfizer hoặc Moderna nếu họ đã tiêm mũi đầu với vắc xin AstraZeneca, sau khi có kết luận rằng vắc xin của AstraZeneca có liên quan đến biến chứng đông máu rất hiếm gặp vài tháng trước.
Tiêm đủ hai liều vắc xin COVID-19 là rất quan trọng để cung cấp sự bảo vệ tối đa cho người được tiêm trước bệnh COVID-19 và huấn luyện cơ thể chúng ta tạo ra kháng thể và tế bào T để ngăn chặn và tiêu diệt virus.
Giáo sư Matthew Snape, Đại học Oxford, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết mặc dù khoảng cách giữa hai mũi tiêm trong nghiên cứu là 4 tuần thay vì 12 tuần như thực hành thường quy ở Anh nhưng kết hợp hai loại vắc xin vẫn cho thấy hiệu quả. Khoảng cách 12 tuần giữa hai mũi tiêm được xác nhận trên thực tế là tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn.
Ngoài ra, cũng theo nghiên cứu, những người đã tiêm hai liều với vắc xin AstraZeneca có thể có phản ứng miễn dịch mạnh hơn nếu họ được tiêm nhắc lại bằng vắc xin khác.
Do có nguồn cung vắc xin dồi dào, Anh không có ý định thay đổi chiến lược tiêm 2 liều bằng cùng một loại vắc xin cho người dân.
Tuy nhiên, nhà chức trách nước này cho biết nghiên cứu cung cấp cho ngành y tế một sự linh hoạt lớn hơn, nhất là với liều tiêm nhắc lại về sau.
Ngoài ra, ở các nước đang triển khai tiêm vắc xin, nếu gặp khó khăn trong nguồn cung vắc xin, họ có thể linh động chuyển sang sử dụng vắc xin khác mà không cần lo lắng.
Theo nguồn Tuổi Trẻ Online