SỨC MẠNH CỦA SỰ LIÊN KẾT
Tin tức

Tin tức

Khu Công nghệ cao TPHCM: Giá trị khác biệt từ R&D
18/02/2016
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý SHTPTheo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý SHTP, hầu hết các dự án vừa cấp phép đều cam kết đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) song song với hoạt động sản xuất. Phát triển R&D cũng sẽ là mục tiêu mà SHTP dành sự quan tâm hàng đầu trong các hoạt động năm 2016.
* PV: Thưa ông, nhìn lại các hoạt động của SHTP trong năm vừa qua, đâu là những dấu ấn điển hình cho sự thành công?
- Ông LÊ HOÀI QUỐC: Trước hết, SHTP thu hút đầu tư vượt 3,7 lần so với kế hoạch năm, với 28 dự án và tổng vốn đầu tư đạt trên 1,5 tỷ USD. Trong đó, sau khi được cấp phép, Samsung, Sonion và United Healthcare đã quyết định tăng vốn đầu tư thêm 634,5 triệu USD. Điều này minh chứng thương hiệu “SHTP” tiếp tục là môi trường đầu tư ổn định.
Thứ hai, SHTP tiếp tục đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Giá trị xuất khẩu cả năm 2015 của SHTP đạt 4,66 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng giá trị xuất khẩu (trừ dầu thô) của TPHCM và 92% tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của cả nước. Năng suất lao động tại SHTP là 196.000 USD/ lao động, gấp 9,8 lần so với các khu chế xuất - khu công nghiệp. Bình quân, 1ha đất SHTP tạo ra 44,67 triệu USD giá trị xuất khẩu. Ước tính cứ 1USD đầu tư cho hạ tầng từ ngân sách thu hút được 17USD vốn của nhà đầu tư.
Ngoài ra, phải kể đến hoạt động R&D tại SHTP được đặc biệt quan tâm. Hàng loạt các doanh nghiệp dành tỷ lệ phần trăm cao từ doanh thu để đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Số lượng các công nghệ mới được phát triển hoặc chuyển giao trong năm qua cũng tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Điều này đóng góp đáng kể vào giá trị gia tăng trên từng sản phẩm xuất khẩu tại SHTP.
* R&D là khái niệm rất chung và được nói rất nhiều trong thời gian qua. Nhưng đối với SHTP, công việc này được thực hiện như thế nào?
- Đối với một doanh nghiệp bất kỳ xin giấy phép đầu tư vào khu, chúng tôi đều yêu cầu phải cam kết quá trình nội địa hóa sản phẩm và hoạt động R&D. Nếu không có những hoạt động đó thì chúng tôi sẽ kiên quyết không cấp phép. Bởi, đối với doanh nghiệp công nghệ cao, hoạt động R&D quyết định sự sống còn. Và bất kỳ nhà đầu tư nào đã cam kết hoạt động R&D đều phải rõ ràng, xác lập rõ lộ trình theo các mốc thời gian cụ thể. Tại SHTP hiện nay, hoạt động R&D phổ biến ở hai hình thức: mua công nghệ và làm chủ công nghệ. Trong đó, mua công nghệ là doanh nghiệp được chuyển giao từ công ty mẹ, đồng thời đưa vào những chức năng mới phù hợp với nhu cầu thực tế trong nước và quốc tế. Làm chủ công nghệ là doanh nghiệp tự bỏ tiền, bỏ nhân lực để nghiên cứu, chế tạo ra công nghệ mới. Ban quản lý Khu công nghệ cao luôn giám sát và sẵn sàng hỗ trợ để các nhà đầu tư đáp ứng tiến độ đầu tư của mình.

* Nhưng thật khó để hô hào nhiều doanh nghiệp làm R&D, khi chúng ta chưa có nhiều chính sách khuyến khích họ?
- Đầu tư cho R&D chắc chắn sẽ khó và tốn kém, nhưng thương mại hóa để biến “tài sản trí tuệ” ấy trở lại thành tiền càng khó gấp trăm lần. Nhất là đối với các doanh nghiệp nội, vốn chỉ có tiềm lực tài chính nhỏ. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trích lập Quỹ Khoa học công nghệ tại doanh nghiệp đã được thực hiện nhưng hiện còn một số rào cản. Một số doanh nghiệp muốn đầu tư cho R&D nhưng bản thân họ chưa tìm được nguồn hỗ trợ thỏa đáng.
Nhìn ra vấn đề này, SHTP đang hoàn thiện đề án và sẽ trình lên lãnh đạo TPHCM sớm cho phép SHTP thí điểm tự chủ xây dựng Chương trình thúc đẩy thương mại hóa đối với các sản phẩm nghiên cứu của doanh nghiệp trong khu. Chương trình sẽ có hai hướng tiếp cận. Đối với doanh nghiệp FDI, chúng tôi bắt buộc phải cam kết đầu tư cho R&D nhưng kết hợp chuyên gia hiện có của doanh nghiệp với đội ngũ nhân lực nghiên cứu trong nước. Đối với doanh nghiệp nội địa, chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ở các bước như tìm hiểu nhu cầu thị trường, hoàn thiện công nghệ, giới thiệu sản phẩm và thẩm định giá… Bên cạnh đó, kêu gọi và thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ kinh phí cho các cá nhân, doanh nghiệp có công nghệ mới, công nghệ cao có thể thương mại hóa thành công.
* Ở giai đoạn đầu, có những công nghệ nào được hỗ trợ thương mại hóa?
- Dự kiến sẽ có khoảng 4 - 5 công nghệ/sản phẩm được thí điểm đầu tư thương mại hóa. Đây đều là những sản phẩm đã và đang xâm nhập vào thị trường, bước đầu cho kết quả tốt như khóa container, điện kế, Nano nghệ, Wifer RFID, Thiết bị theo dõi phóng xạ… Trong quý 1-2016, chúng tôi sẽ trình đề án lên lãnh đạo TPHCM, thời gian triển khai cũng sẽ chờ quyết định cuối cùng này. Nếu được phép thực hiện, chúng tôi kỳ vọng từ chương trình, sẽ có những sản phẩm công nghệ đặc thù cho TPHCM.
* Xin cảm ơn ông!

TƯỜNG HÂN
SGGP ONLINE
NGUỒN: http://sggp.org.vn/khoahoc_congnghe/2016/2/412057/

Tin tức khác