Nhân viên trẻ người Việt chào mừng IPV tròn 10 tuổi
Theo nhiều đánh giá, nguồn nhân lực của VN sẽ vẫn còn phải loay hoay một thời gian dài nữa quanh lợi thế “nhân công giá rẻ” với những ngành nghề thâm dụng lao động và không đòi hỏi nhiều hàm lượng chuyên môn. Để thay đổi thực tế này, cần một đột phá thực sự về đào tạo, giáo dục bậc cao và cơ hội tiếp cận công nghệ cho giới trẻ. Đây là thách thức lớn, nhưng hoàn toàn có thể có được kết quả rõ nét, nhanh chóng và bền vững nếu có tầm nhìn và phương pháp đúng. Chiến lược nguồn nhân lực và các chương trình hỗ trợ phát triển của Intel tại VN thường được tham khảo và minh chứng cho khả năng này.
Tập đoàn Intel vừa kỷ niệm tròn 10 năm phát triển Nhà máy Lắp ráp và Kiểm định chip Intel Products Vietnam (IPV). Năm 2006, khi Intel công bố đầu tư nhà máy trị giá một tỷ đô la Mỹ tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), nền kinh tế - xã hội VN cũng đã có thêm một động lực phát triển mới. Bởi lẽ, đây là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn đầu tiên trên lĩnh vực công nghệ cao từ một trong những công ty công nghệ uy tín nhất thế giới, có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo chứng cho khả năng thu hút đầu tư và cơ hội phát triển của môi trường kinh doanh VN, giúp kết nối VN với thị trường công nghệ - thông tin toàn cầu và tạo nên những cơ hội mới cho nguồn nhân lực trẻ.
Sau 10 năm phát triển tại VN, IPV thực sự đã tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Theo một nghiên cứu độc lập từ Đại học Fulbright Việt Nam, có thể ghi nhận những tác động tiêu biểu của IPV đến VN như góp phần quan trọng trong việc giúp VN hình thành Luật Công nghệ cao, phát triển hệ thống hải quan điện tử, cải thiện năng lực của SHTP về tri thức và quản lý… Nhưng, đáng kể nhất chính là việc giúp VN xây dựng những nền tảng bền vững đầu tiên cho việc phát triển nguồn nhân lực trên lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật và thay đổi nhận thức của thị trường thế giới đối với sản phẩm công nghệ “Made in Vietnam”.
Cụ thể, trong thời gian qua, IPV đã triển khai rất nhiều chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trẻ. Tiêu biểu như Chương trình Liên minh giáo dục kỹ thuật đại học (HEEAP) dành cho giảng viên tại 8 trường kỹ thuật trên cả nước theo chuẩn ABET, dự án giáo dục phổ thông đã đào tạo cho trên 150.000 chuyên gia giáo dục tại 28 tỉnh - thành giúp tạo nên chuyển đổi mạnh mẽ về phương pháp học tập cho sinh viên, cùng hàng loạt chương trình học bổng và cơ hội phát triển cho giới trẻ ở nhiều cấp bậc…
Kết quả, từ mối quan ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực tại chỗ, IPV đã phát triển vượt bậc bằng năng lực của đội ngũ hơn 1.300 kỹ sư và chuyên viên trình độ cao người Việt do mình trực tiếp bồi dưỡng nên. Khả năng học hỏi, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sáng tạo mạnh mẽ của đội ngũ này đã khiến Intel tự tin triển khai cho IPV những kế hoạch rất lớn, có khả năng cung ứng đến 80% nhu cầu chip máy tính trên toàn cầu. Đến cuối năm 2016, IPV đã xuất xưởng 600 triệu sản phẩm với 26 dòng công nghệ khác nhau, có độ phức tạp và yêu cầu chuyên môn cao chứ không chỉ đơn thuần lắp ráp và kiểm định những sản phẩm đơn giản.
Cũng theo kết quả từ nghiên cứu của Đại học Fulbright Việt Nam, với kết quả kinh doanh mà IPV đạt được, thì mỗi nhân viên người Việt của đơn vị này đã tạo ra giá trị xuất khẩu cao gấp 93 lần so với giá trị xuất khẩu trung bình được tạo nên bởi một nhân viên làm việc trong một doanh nghiệp FDI tại VN. Còn theo chia sẻ từ ban giám đốc của IPV, đội ngũ lao động người Việt hoàn toàn có vị thế và cơ hội bình đẳng trong toàn tập đoàn Intel. Từ chiến lược đào tạo xuyên suốt 10 năm qua của Intel cùng sự tiến bộ vượt bậc cả về năng lực và thái độ của đội ngũ lao động trẻ người Việt, IPV hoàn toàn tự tin để triển khai những kế hoạch phát triển mang tính đột phá trong thời gian tới.
Được biết, 92% nhân viên người Việt tại IPV có độ tuổi từ 22 đến 30, trong đó, có đến 39% là nữ giới. IPV là đơn vị có tỷ lệ lao động nữ cao nhất trong tất cả nhà máy của Intel toàn cầu. Đặc biệt, đơn vị này còn có các chính sách đối xử khích lệ sự tự tin và bình đẳng cho mọi thành phần giới tính, từ nam, nữ đến các nhân viên thuộc nhóm LGBT…
Từ câu chuyện của 1.300 người Việt trẻ tại Intel, có thể thấy rằng, nếu có được môi trường và những cơ hội hỗ trợ, nguồn nhân lực trẻ VN hoàn toàn có thể nhanh chóng thu ngắn khoảng cách với ngành công nghệ toàn cầu, thay đổi “định mệnh” nhân công giá rẻ trong những ngành nghề có hàm lượng chuyên môn thấp và tạo nên một sức bật mới trong kỷ nguyên công nghệ cao.
theo Ngọc Hương
Báo