Sáng 18-4, Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) tổ chức Hội nghị “Khu công nghệ cao TPHCM trước tác động thuế quan của Mỹ”, nhằm phân tích và thảo luận về những ảnh hưởng của chính sách thuế quan đến cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.

Hội nghị có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia
Tại hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách đã trao đổi và đề xuất một số giải pháp ứng phó mức thuế đối ứng 46% của Mỹ đối với hàng hóa từ Việt Nam như: Tái cấu trúc sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực nội tại và tăng cường sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước.
Theo Th.S Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Mỹ thuộc nhóm các thị trường xuất khẩu của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng liên tục qua các năm, các mặt hàng thương mại giữa 2 quốc gia không cạnh tranh mà có tính bổ trợ lẫn nhau.
Thuế quan mới của Mỹ đã có tác động, ảnh hưởng đến kinh tế của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, một số tác động được nhận diện như về tỷ giá, dòng vốn FDI, xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, việc làm…

Th.S Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM chia sẻ tại hội nghị
“Đối với TPHCM, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố cũng chịu tác động mạnh mẽ trong đợt áp thuế đối ứng như: Điện – điện tử, dệt may, giày dép, gỗ, nông sản, thực phẩm chế biến… Khi các mặt hàng này bị áp thuế cao, doanh nghiệp sẽ gặp khó trong tiêu thụ, doanh thu xuất khẩu suy giảm, đồng thời tác động dây chuyền đến các ngành trong chuỗi cung ứng như các nhà cung cấp nguyên vật liệu, các ngành công nghiệp phụ trợ”, Th.S Phạm Bình An đánh giá.
PGS-TS Lê Quốc Cường, Phó Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho biết, mức thuế đối ứng 46% của Mỹ đối với Việt Nam thuộc mức cao nhất thế giới và chắc chắn sẽ có tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao.
Tuy nhiên, chính sách thuế quan mới của Mỹ không chỉ là rào cản thương mại, mà còn là chất xúc tác cho sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và dịch chuyển địa chiến lược trong các ngành công nghiệp cốt lõi.
Trong bối cảnh đó, TPHCM đang đối diện với thời điểm chiến lược để tái định vị vai trò trong không gian kinh tế Đông Nam Á, tái cấu trúc mô hình tăng trưởng xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, bảo vệ việc làm và nâng cao khả năng thích ứng trước các cú sốc bên ngoài.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để TPHCM đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, số hóa, tự chủ, tái cơ cấu thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm.
“SHTP khẳng định cam kết sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn đầy biến động này, đồng thời kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn nhằm giữ vững vai trò tiên phong của Khu công nghệ cao trong đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế bền vững”, PGS-TS Lê Quốc Cường nhấn mạnh.

PGS-TS Lê Quốc Cường, Phó Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM phát biểu
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng cho rằng, chính sách thuế quan mới đang trở thành một công cụ chiến lược trong cuộc cạnh tranh kinh tế – công nghệ toàn cầu. Vấn đề này đặt ra những thách thức lớn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi đang thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Một số tác động lớn như: Gia tăng chi phí xuất khẩu (các sản phẩm và linh kiện công nghệ cao từ Việt Nam xuất sang Mỹ có thể chịu mức thuế cao hơn); tái định vị chiến lược của doanh nghiệp FDI (một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có thể buộc phải điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh, chuyển hướng thị trường, dịch chuyển cơ sở sản xuất); gia tăng rào cản đối với doanh nghiệp trong nước (doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều trở ngại, chậm tiến trình hội nhập quốc tế).
Bùi Tuấn
Báo Sài Gòn Giải phóng
https://www.sggp.org.vn/shtp-cam-ket-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-truoc-chinh-sach-thue-quan-moi-post791285.html