Chủ trì hội nghị sơ kết tại điểm cầu UBND TP.HCM có ông Trương Hòa Bình - phó thủ tướng thường trực Chính phủ, ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM.
Số ca cộng đồng có xu hướng giảm
Tại cuộc họp, ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin - truyền thông - cho biết từ ngày 9-7 đến nay TP phát sinh 9.736 ca nhiễm, trong đó có 1.794 ca phát hiện trong cộng đồng, 7.942 ca trong khu cách ly, phong tỏa. Mặc dù số ca phát sinh tăng từng ngày nhưng số ca nhiễm phát hiện trong cộng đồng và bệnh viện có xu hướng giảm.
Hiện nay, huyện Bình Chánh có số ca nhiễm phát sinh nhiều nhất, sau đó là quận Bình Tân, quận 8, TP Thủ Đức… Các phường có ca dương tính phát sinh nhiều nhất là phường 13, quận 10 (43 ca); phường Hiệp Tân, quận Tân Phú (41 ca); phường 7, quận 8 (41 ca)…
Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP - đề nghị UBND TP chỉ đạo hạn chế công nhân đi lại tại các công trình; đánh giá và có thể tạm dừng các công trình thi công trên địa bàn, trừ các chương trình trọng điểm trong thời gian ngắn thực hiện chỉ thị 16 còn lại. Việc này sẽ hạn chế được vấn đề đi lại và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, ông Trần Quang Lâm cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm thống nhất cơ chế lưu thông với các tỉnh để tránh tắc nghẽn việc cung ứng hàng hóa.
Về vấn đề cung ứng hàng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng mặc dù thời gian qua ngành công thương đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Ông Phong yêu cầu cần tiếp tục huy động nguồn lực, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân.
Ông Phong cũng cho biết bộ trưởng Bộ Công thương có đưa ý kiến về mở lại chợ truyền thống, tuy nhiên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần cẩn trọng trong việc mở lại này.
Hiện nay một số địa phương có đưa ý kiến tổ chức bán hàng ở các quảng trường, đường lớn thay vì tổ chức bán trong chợ truyền thống; kẻ ô, kẻ vạch bán giữa lòng đường, lề đường, đảm bảo khoảng cách cho người dân đi mua hàng.
Ông Phong cho rằng cần xem xét, có tính toán cụ thể phương án này để phục vụ người dân khi hệ thống các cửa hàng tiện lợi đang vượt quá khả năng cung cứng. Phải tính toán trên từng địa bàn cụ thể, chưa thể áp dụng trên phạm vi toàn TP.
Sắp tới người dân có thể mua rau củ quả qua Tiki, Lazada
Người dân mua thực phẩm tại chợ Thảo Điền, TP Thủ Đức - Ảnh: NHẬT THỊNH
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết trước khi thực hiện chỉ thị 16, người dân TP cần 7.000 tấn lương thực thực phẩm/ngày. Khi 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động thì việc cung ứng gặp khó khăn, sản lượng sụt giảm 50%.
Hiện tại các siêu thị, doanh nghiệp bình ổn nâng quy mô, năng lực cung ứng, nhưng so với nhu cầu của người dân thì thiếu hụt khoảng 1.000 tấn rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống...
Từ 1-7, TP huy động thêm các kênh khác như doanh nghiệp logistics, thương mại. So với lượng hàng trước khi thực hiện chỉ thị 16 vẫn có sự thiếu hụt nhất định do khó khăn về luân chuyển, giao thông, chi phí gia tăng, tâm lý do các tin đồn lan truyền tác động lên người dân...
Hôm qua (14-7) là ngày khó khăn khi người dân tập trung đông đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua, sau khi TP bác tin đồn thì số lượng này đã giảm.
Sở Công thương đã phối hợp TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn nhằm tìm ra giải pháp khai thác các khu vực gần chợ đầu mối để làm các địa điểm trung chuyển hàng hóa. Đến nay đã đưa vào hoạt động được 3 ngày, tiếp nhận 100 tấn rau củ quả ở các địa phương đổ về.
Thứ 2, phát huy vai trò của các thương lái ở chợ đầu mối, tiếp tục thực hiện thông qua giao hàng trực tuyến, giao hàng qua điện thoại để đưa hàng về TP.HCM.
Thứ 3, huy động công ty bưu chính, giao hàng nhanh, các doanh nghiệp logistics... hỗ trợ 1.000 điểm bán bổ sung, ngày mai 16-7 chính thức khởi động, sử dụng hệ thống cửa hàng hiện có của đơn vị cung ứng đang hoạt động, huy động 7 công ty logistics hoạt động độc lập với các điểm bán này với công suất đặt ra là 1.000 tấn.
Sở Công thương cho biết đơn vị này sẽ làm việc với các quận, huyện để đánh giá việc mở lại chợ truyền thống đủ điều kiện phòng chống dịch.
"Hiện nay quận huyện rất khó về lực lượng, chúng tôi sẽ bàn bạc, nghiên cứu các chợ sẽ hoạt động theo mô hình tự quản, giảm thiểu tối đa số lượng sạp để thực hiện 5K, hướng dẫn tiểu thương bán hàng đồng giá, không giao dịch lâu, tiếp tục suy nghĩ ứng dụng công nghệ thông tin, đưa dần chợ có đủ điều kiện để giúp người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận nguồn rau củ quả", ông Vũ nói.
Lãnh đạo Sở Công thương cho biết đã làm việc với các đơn vị như Tiki, Lazada, Sendo để thống nhất bán rau củ quả trên sàn thương mại điện tử, bằng chính kho hàng của họ và các đơn vị này đã đồng ý.
Đồng thời lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường xử lý, xử phạt các đối tượng gom hàng, ghim hàng để bán lại trục lợi.
'Cần linh động, khéo léo trong mọi tình huống liên quan đời sống người dân'
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá trong những ngày qua, TP.HCM đã nỗ lực rất lớn, đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên vẫn còn những khiếm khuyết như tập trung đông người...
Về số ca mắc tăng, Phó thủ tướng cho rằng TP nên xem xét nếu trong 1 tuần nữa số ca mắc vẫn tăng, tỉ lệ tử vong tăng thì khó lòng chống dịch theo chỉ thị 16 được.
"Theo báo cáo, số ca F0 không có biểu hiện trên 80%, số bệnh nặng trên 1.000 người. Nếu như chúng ta không kéo giảm được thì xem xét kéo dài giãn cách thêm 1 tuần lễ nữa, quyết liệt để giải quyết dứt điểm.
Từ nay đến khi chấm chứt thời hạn thực hiện chỉ thị 16, các cơ quan của TP tập trung đánh giá kỹ để có quyết sách phù hợp. Nếu có 50.000 F0, chúng ta có thực hiện mãi như thế này được không? Chúng ta phải tính chiến lược này", ông Bình nói.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM - cho biết theo đánh giá, các biện pháp phòng chống dịch tại TP đã đi đúng hướng. Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của chủng virus Delta, công tác phòng, chống dịch nhiều nơi còn lúng túng, quá tầm kiểm soát.
Theo ông Nên, 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, toàn hệ thống chính trị đã nỗ lực phòng, chống dịch ở quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất. Công tác phòng, chống dịch chuyển sang trạng thái mới, có sự phân công rõ ràng cho các lực lượng. Công tác xét nghiệm, thu dung, cách ly, điều trị, tổ chức tổ COVID-19 cộng đồng đã đồng đều, có trọng tâm, trọng điểm.
TP đã thực hiện phòng, chống với 5 trụ cột: xét nghiệm; khoanh vùng; truy vết cách ly điều trị; tiêm vắc xin có sự hiệu quả hơn. Chiến lược chống dịch có sự cải tiến, không xét nghiệm đại trà, kết hợp xét nghiệm PCR và test nhanh.
Theo ông Nên, thời gian qua công tác cách ly điều trị thực sự là một sức ép chưa từng có, vượt xa so với sự chuẩn bị. TP đã cố găng khắc phục nhanh chóng. Đồng thời, TP cũng đã kịp thời tăng cường nhân lực, trang thiết bị y tế…
Cho đến nay, TP đã cơ bản ngăn chặn được những nguồn lây dịch trước đây, giảm phát tán mầm bệnh ở cộng đồng.
Ông Nên cho rằng trong thời gian tới, TP cần có phương án chuẩn bị cho tình huống các địa phương lân cận đồng loạt giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, việc vận chuyển hàng hóa sẽ khó khăn hơn.
Đồng thời cần nghiên cứu triển khai nhanh biện pháp của Bộ Y tế trong phân loại F0, F1 để cách ly, điều trị tại nhà.
Thực hiện chỉ thị 16, đời sống và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn; nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn khiến lực lượng phòng, chống dịch lúng túng, trong đó có vấn đề cung cấp nhu yếu phẩm và vận chuyển hàng hóa…
Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu lực lượng chức năng cần linh động, khéo léo trong mọi tình huống liên quan đến đời sống người dân.
Ông Nên nêu ví dụ trường hợp nhóm người tổ chức buôn bán, lực lượng chức năng đã ngăn chặn. Tuy nhiên người dân cho rằng họ làm từ thiện giúp người nghèo chứ không buôn bán. Trong trường hợp này, lực lượng chức năng phải giải quyết thấu đáo, lắng nghe người dân; vận động để người dân hiểu vấn đề quan trọng hàng đầu là đảm bảo việc giãn cách xã hội; hạn chế tối đa các trường hợp gây bức xúc trong nhân dân.
Bí thư Thành ủy nhận định an dân là rất quan trọng. Người dân đang gặp sức ép lớn khi giãn cách xã hội, TP phải kịp thời hỗ trợ các trường hợp khó khăn. Những quy định cần rõ ràng để người dân không lúng túng khi thực hiện, gây bức xúc.
Lập tổ hỗ trợ và phản ánh nhanh tại địa phương, giảm ca nhiễm ở khu phong tỏa
Ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết TP đã trải qua 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phong cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận các thiếu sót để đưa ra những giải pháp phù hợp
Đó là công tác xét nghiệm còn tập trung đông người, trả kết quả còn chậm, việc chuyển F0 đi cách ly và thành lập tổ xét nghiệm ở các quận huyện còn chậm. Tại các khu phong tỏa còn diễn ra sự giao lưu. Ban chỉ đạo phòng chống dịch còn nhiều lúng túng, các hướng dẫn còn điều chỉnh liên tục gây khó khăn trong việc thực hiện. Các quận, huyện thực hiện cứng nhắc các quy định, gây bức xúc trong xã hội.
Theo ông Phong, có khoảng 3 đến 8% số ca nhiễm tại các khu phong tỏa và khu cách ly là do lây nhiễm chéo. "Theo phân tích dữ liệu, các ca nhiễm phát sinh lớn nhất là ở khu phong tỏa. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận đã xảy ra lây nhiễm chéo. Phải giảm dần ca nhiễm tại nơi phong tỏa", ông Phong nói.
Ông Phong yêu cầu các đơn vị, cá nhân cần tập trung siết chặt, không để lây nhiễm chéo tại khu cách ly. Phát huy vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định nơi phong tỏa.
Trong thời gian còn lại của việc giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị chức năng phải đặt mục tiêu tách nhanh nhất F0 ra khỏi cộng đồng, rút ngắn thời gian đưa F0 đi cách ly, chữa trị; cung cấp các đường dây nóng để người dân thông báo khi có ca bệnh cần đến bệnh viện.
Ông yêu cầu 100% quận huyện và TP Thủ Đức phải lập tổ hỗ trợ và phản ánh nhanh tại địa phương; vận hành ngay đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân; tuyệt đối không để xảy ta tình trạng người dân phiền hà vì hành xử của cơ quan chức năng.