Sản xuất vi mạch của Công ty SPARTON (Mỹ) tại Bình Dương. Ảnh: Lê Toàn
Đổ bộ đầu tư ngành vi mạch bán dẫn
Vào đầu tháng 7/2024, một phái đoàn của Tập đoàn NVIDIA do TS. Ettikan Karuppiah, Giám đốc công nghệ vùng châu Á - Thái Bình Dương làm Trưởng đoàn tiếp tục đến TP.HCM để khảo sát và trao đổi khả năng hợp tác trong thời gian tới. Đoàn có cuộc gặp Chủ tịch UBND TP.HCM để trao đổi các vấn đề đào tạo phát triển AI cho Thành phố; hỗ trợ phát triển start-up (doanh nghiệp AI); thành lập AI Center of Excellence.
Đây là cuộc làm việc thứ hai của Tập đoàn NVIDIA với một số trường đại học và doanh nghiệp tại TP.HCM kể từ sau chuyến thăm Việt Nam của tỷ phú Jensen Huang, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA. Điều đó cho thấy, cơ hội hợp tác đầu tư với tập đoàn công nghệ đứng đầu thế giới rất rộng mở khi NVIDIA đã có những thỏa thuận hợp tác đầu tiên với Tập đoàn FPT về mở một nhà máy AI tại Việt Nam.
Một “ông lớn” công nghệ khác của Hoa kỳ là Tập đoàn Marvell - doanh nghiệp chuyên thiết kế chip, cũng tăng tốc mở rộng các trung tâm thiết kế chíp tại Việt Nam. Vào giữa tháng 5/2024, Marvell công bố mở thêm một trung tâm thiết kế chip tại Đà Nẵng và chuẩn bị mở thêm một trung tâm nữa tại TP.HCM sau khi đã đầu tư một trung tâm thiết kế tại đây.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lợi Nguyễn, Phó chủ tịch cấp cao về kết nối quang đám mây của Tập đoàn Marvell cho biết, các trung tâm thiết kế của Marvell tại Việt Nam sẽ tập trung thiết kế các con chip công nghệ vi mạch mới, nhằm đáp ứng nhu cầu về hiệu suất, tốc độ ngày càng gia tăng của các trung tâm dữ liệu đám mây và trí tuệ nhân tạo.
“Marvell Việt Nam đặt mục tiêu trong 2-3 năm tới sẽ trở thành Trung tâm thiết kế vi mạch lớn thứ 3 của Marvell toàn cầu, sau các trung tâm chính tại Hoa Kỳ và chi nhánh Ấn Độ. Việc mở thêm trung tâm thiết kế chip tại Đà Nẵng không chỉ củng cố sự cam kết lâu dài của Marvell đối với thị trường Việt Nam, mà còn là bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu phát triển trung tâm thiết kế vi mạch đẳng cấp thế giới ngay tại Việt Nam”, ông Lợi Nguyễn chia sẻ.
Không chỉ các doanh nghiệp thiết kế chip, các doanh nghiệp sản xuất ngành vi mạch, bán dẫn cũng đang tăng tốc đầu tư mở rộng tại Việt Nam nói chung và tại TP.HCM nói riêng. Trong đó, phải kể đến doanh nghiệp bán dẫn của Hà Lan là Công ty BE Semiconductor Industries (BESI), chỉ sau vài tháng đưa dự án vào hoạt động giai đoạn I, doanh nghiệp này ngay lập tức xin cấp phép mở rộng đầu tư giai đoạn II tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), với vốn đầu tư 42 triệu USD. Đây là điều ít thấy ở các doanh nghiệp FDI, bởi vì thông thường sau khi hoạt động giai đoạn I, nhà đầu tư phải đánh giá lại hiệu quả trước khi đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, với BESI, họ đã nhìn thấy tiềm năng và cơ hội trong việc đầu tư ngành vi mạch, bán dẫn tại TP.HCM, nên nhanh chóng xin đầu tư giai đoạn II.
Bên cạnh TP.HCM, thì các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư về việc đầu tư các dự án vi mạch, bán dẫn. Đầu tháng 4 năm nay, Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) gặp lãnh đạo tỉnh Bình Dương để xem xét kế hoạch phát triển các dự án mới của Tập đoàn tại đây. Ông Hirohisa Fujiwara, Giám đốc kinh doanh quốc tế Tập đoàn Tokyu cho biết, Tokyu đã thành lập các tổ nghiên cứu, khảo sát để mở rộng đầu tư một số lĩnh vực mới như công nghệ cao, công nghệ bán dẫn… trong thời gian tới. Trong đó, Tập đoàn tìm hiểu để đầu tư ngành công nghệ bán dẫn tại Bình Dương.
Doanh nghiệp Việt cũng tham gia cuộc đua
Đầu tư phát triển ngành vi mạch, bán dẫn không chỉ nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, mà các nhà đầu tư trong nước cũng liên tiếp gửi đề xuất đến UBND TP.HCM xin đầu tư dự án. Vào trung tuần tháng 6/2024, Công ty Vncurved có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất xây dựng nhà máy sản xuất đóng gói kiểm định chip.
Trong khi Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Đông Dương có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất đầu tư Khu công nghệ đổi mới sáng tạo diện tích 350 - 400 ha, chuyên thu hút các doanh nghiệp sản xuất và kiểm định chip.
Hiện nay, các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ưu tiên thu hút đầu tư dự án của các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao và không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, các dự án thu hút đầu tư vào các KCN ở Đồng Nai chủ yếu thuộc các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo. Không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động.
Xu hướng đầu tư trung tâm dữ liệu
Cùng với ngành vi mạch bán dẫn, đầu tư trung tâm dữ liệu là lĩnh vực khá nóng hiện nay, hàng loạt nhà đầu tư đua nhau đề xuất xây dựng trung tâm dữ liệu tại TP.HCM. Sau khi Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đầu tư Trung tâm dữ liệu với số vốn 14.700 tỷ đồng tại KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) vào năm ngoái, thì nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ồ ạt đề xuất được đầu tư Trung tâm dữ liệu tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Trong đó, phải kể đến một số tập đoàn tên tuổi như Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc); Công ty Hathor DC Vietnam Holdings Pte. Ltd - một công ty con thuộc Tập đoàn Evolution Data Centers (Singapore); Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons… Những doanh nghiệp này đã chính thức có văn bản gửi UBND TP.HCM vào tháng 5 và tháng 6/2024, đề xuất được làm nhà đầu tư của dự án.
Theo thông tin cập nhật từ Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, đến thời điểm hiện tại đã có 5 nhà đầu tư muốn đầu tư Dự án Trung tâm dữ liệu Khu công nghệ cao.
Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) nhận định, đầu tư trung tâm dữ liệu đang là xu hướng đầu tư mới tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Để thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm dữ liệu, Hepza đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng tại các khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Bởi vì, việc đầu tư trung tâm dữ liệu cần nguồn điện lớn, ổn định và đáp ứng cả nguồn điện dự phòng để doanh nghiệp hoạt động.
Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH
Ngành vi mạch, bán dẫn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ”
- Ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam
Thời gian gần đây, ngành vi mạch, bán dẫn tại Việt Nam thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ. Đặc biệt, sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện, đã mở ra những cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực này.
Mục tiêu để Việt Nam trở thành trung tâm bán dẫn của khu vực càng được củng cố nhờ sự ổn định chính trị, lực lượng lao động trẻ và chi phí hợp lý, chính sách thị trường mở và chiến lược thu hút đầu tư mới Chính phủ.
Đối với Công ty Marvell, một trong những ưu tiên hàng đầu là phát triển nguồn nhân lực cao cho ngành công nghiệp bán dẫn để đáp ứng cho các doanh nghiệp ngành vi mạch tại Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
"Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tăng trưởng hơn nữa”
- Ông Choi Bundo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham)
Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc lên Đối tác chiến lược toàn diện đã tác động tích cực đến quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai bên. Điều này thể hiện qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 1,41 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024. Con số này đánh dấu mức tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023 và định vị Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4 trong số 84 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các công ty Hàn Quốc đã mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm sản xuất, bất động sản và bán lẻ.
Các khoản đầu tư trong tương lai của Hàn Quốc vào Việt Nam có thể sẽ tập trung nhiều vào mảng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Mảng tiếp theo mà các công ty tăng cường đầu tư vào Việt Nam là công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và robot. Các công ty Hàn Quốc sẽ tận dụng lực lượng lao động lành nghề và khả năng cạnh tranh về chi phí của Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Đối với lĩnh vực chuyển đổi số, các công ty Hàn Quốc sẽ mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính và nội dung số.
Những xu hướng đầu tư này được kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Lê Quân
Theo Đầu tư