Hiện trạng ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn Việt Nam
Thu hút dự án đầu tư của Intel vào Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) năm 2006 là cột mốc lớn thứ hai đánh dấu nỗ lực của Việt Nam trong phát triển ngành vi mạch bán dẫn, sau cột mốc đầu tiên là Dự án Z181 được dẫn dắt bởi GS Trần Đại Nghĩa ngay sau ngày thống nhất đất nước.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, Đại học Quốc gia TP.HCM đã thành lập Trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) năm 2005, và Phòng thí nghiệm Công nghệ nano (LNT), nay là Viện Công nghệ nano (INT).
Năm 2010, vi mạch bán dẫn được bổ sung vào danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục có trong các Quyết định thay thế quyết định này cho đến nay.
Năm 2012, vi mạch được xác định là sản phẩm quốc gia theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2012, UBND TP.HCM ban hành Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được điều chỉnh, bổ sung năm 2017, khẳng định quyết tâm của thành phố trong phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.
Có thể nói, giai đoạn gần 20 năm qua là giai đoạn mà Việt Nam, mà đầu tàu là TP.HCM đã có những định hướng, mục tiêu và hành động khá cụ thể, nhất quán giúp Việt Nam xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Theo số liệu được công bố trên Cổng thông tin KH&CN quốc gia, tính đến hết năm 2022, Việt Nam có 1.072 công bố quốc tế liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn, 635 công bố quốc tế liên quan đến vi mạch.
Đáng chú ý, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Trong đó, phân bổ nhân lực tập trung nhiều nhất tại TP. HCM (85%), Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%).
Cùng với thiết kế vi mạch, đóng gói vi mạch (IC packaging) cũng là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh với sự hiện diện của nhà đầu tư chiến lược Intel tại SHTP với tổng vốn đầu tư tích lũy đến nay hơn 4,1 tỷ USD.
Lãnh đạo Trung ương và TP.HCM nhấn nút khánh thành Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC)
Chiến lược cho ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn
Vấn đề mang tính chiến lược đặt ra là làm thế nào Việt Nam có thể tận dụng lợi thế để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Theo đó, cần phải triển khai đồng thời 4 giải pháp chiến lược sau:
Thứ nhất, thúc đẩy phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn. Để thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cần có tư duy và cách tiếp cận hệ sinh thái.
Thứ hai, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, cấu phần quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp ngành điện tử, vi mạch bán dẫn và tập trung thu hút các dự án đầu tư xoay quanh những khâu và công đoạn mà Việt Nam có thế mạnh và giúp Việt Nam có thể nâng cấp năng lực công nghệ, mà cụ thể là tiếp thu, ứng dụng và sáng tạo công nghệ.
Thứ ba, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn đồng thời tăng cường đầu tư cho đào tạo, khoa học và công nghệ và thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt tại các nước tiên tiến trở về nước để tham gia phát triển các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn.
Thứ tư, tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ có thế mạnh, có thể hỗ trợ cho việc thực hiện các mũi đột phá chiến lược nêu trên của Việt Nam trong bối cảnh hệ sinh thái ngành công nghiệp Việt Nam còn yếu và thiếu các yếu tố cần thiết, ví dụ như chưa có các nhà máy sản xuất vi mạch.
Sứ mệnh của Khu Công nghệ cao TP.HCM
Với tầm nhìn xa về chính sách, SHTP đang đề nghị UBND TP.HCM và Chính phủ bổ sung các chức năng, nhiệm vụ để nắm bắt các xu thế mới, thông qua quy hoạch các không gian phát triển, cơ sở hạ tầng mới để phát triển các phân cụm, khuyến khích phát triển “cộng đồng công nghệ” kinh doanh phi chính thức và tương tác xã hội, qua đó cũng góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế tri thức.
IETC góp phần nâng cấp tiêu chuẩn nguồn nhân lực và tiêu chuẩn cung ứng dịch vụ của các công ty điện tử Việt Nam
Với vai trò là khu công nghệ cao quốc gia, SHTP xác định rõ sứ mệnh tiên phong, dẫn dắt phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn cho đất nước, trong đó trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp công nghệ trong nước; hướng phát triển “chuyên môn hóa thông minh” theo ngành.
Trong thời gian qua SHTP đã thí điểm đổi mới hoạt động trong xúc tiến đầu tư, gắn với phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch; thí điểm thành lập các trung tâm đào tạo, ươm tạo lĩnh vực điện tử (IETC), vi mạch bán dẫn (SCDC) trên cơ sở huy động một cách sáng tạo các nguồn lực công, tư nhằm bổ khuyết cho hệ sinh thái các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, hỗ trợ hình thành các công ty khởi nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo các ngành này.
Đồng thời SHTP cũng đang thúc đẩy thành lập Hội vi mạch bán dẫn Việt Nam, tăng cường liên kết, hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ liên quan đến công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn… nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM
Theo Vietnamnet.vn