SỨC MẠNH CỦA SỰ LIÊN KẾT
Tin tức

Tin tức

Để chip Việt “bén duyên” với nhiều doanh nghiệp trong nước
11/08/2016

Cán bộ Công ty TNHH Kỹ thuật dịch vụ Thương mại Hozentech giới thiệu về thiết bị xử lý cáu cặn, gỉ sét ứng dụng từ chip SG8V1.

Sau hơn mười năm tìm tòi, nghiên cứu, thiết kế, ngành công nghiệp vi mạch của TP Hồ Chí Minh đã dần khẳng định được vị thế của mình. Nhiều sản phẩm chip Việt đã “thuyết phục” được nhiều doanh nghiệp (DN) trước kia vốn chuộng hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, để chip Việt chiếm lĩnh được thị trường trong nước thì ngành công nghiệp còn khá non trẻ này cần được sự hỗ trợ bởi các chính sách, cơ chế ưu đãi… 
Trong công bố mới đây, Công ty TNHH Kỹ thuật dịch vụ Thương mại Hozentech (trụ sở tại huyện Hóc Môn) cho biết, công ty đã thành công trong việc kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) nghiên cứu và chế tạo thiết bị Scale Doctor, một thiết bị điện tử xử lý nước đầu tiên tại Việt Nam giúp xử lý cáu, cặn mà trước đây DN phải trả một chi phí khá lớn để mua hóa chất, nhân công thực hiện, đồng thời tiết kiệm 10% đến 25% năng lượng tiêu hao trong quá trình vận hành.
 
Năng lượng sinh ra khi tương tác với dòng nước chảy trong ống (nhờ một hệ thống tín hiệu gắn ở máy bơm hoặc lò hơi) cùng với thiết bị Scale Doctor sẽ i-ông hóa nước và các chất gây cáu cặn, gỉ sét, làm cho các chất này mất khả năng bám dính, hình thành cáu cặn trên đường ống. Scale Doctor còn phá được cáu cặn cũ đã hình thành trước đó. Nhờ những tính năng này mà trong thời gian qua, hơn 60 DN công nghiệp đã lắp đặt Scale Doctor, riêng Công ty Hozentech có hơn 200 đối tác là DN trong nước đang có nhu cầu sử dụng Scale Doctor để thay thế thiết bị ngoại nhập.
 
Tương tự, một “ông lớn” trong ngành chiếu sáng và thiết bị điện của Việt Nam là Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang cũng đã ký kết với ICDREC thực hiện hợp tác sản xuất các sản phẩm sử dụng vi mạch. Theo đó, các sản phẩm như: Hệ thống điều khiển đèn đường, đèn giao thông, chiếu sáng dân dụng, công nghiệp, các dòng chip chuyên dụng LED driver cho sản phẩm đèn LED của Điện Quang… đã được phát triển trên cơ sở chip SG8V1 mà ICDREC đã nghiên cứu chế tạo thành công trong thời gian qua.
 
Trước đó, trên cơ sở ứng dụng chip SG8V1, hệ thống đèn giao thông, hệ thống đèn đường cũng đã được đơn vị chiếu sáng triển khai rộng rãi nhằm thay thế các con chip nhập khẩu từ nước ngoài, nhiều nhất là từ Trung Quốc. Chip SG8V1 hiện đã được ứng dụng nhiều trong các sản phẩm như thiết bị giám sát hành trình ô-tô, điện kế điện tử, thiết bị thu thập dữ liệu...
 
Theo ICDREC, hiện chip Việt đã được các DN ứng dụng trong gần 50 sản phẩm phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau một thời gian thử nghiệm, các DN đều đánh giá cao về chất lượng, giá cả thì rất cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại nhập ngoại. Điều đó cho thấy, TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung hoàn toàn đủ nguồn nhân lực về ngành công nghiệp vi mạch để đưa ngành công nghiệp này tiến xa hơn trong tương lai… Tuy nhiên, theo Giám đốc ICDREC Ngô Đức Hoàng, thì việc DN biết đến và ứng dụng chip Việt chỉ mới là một tín hiệu tốt, chưa thể gọi đó là thành công, bởi những gì đã làm được thật sự còn rất nhỏ bé so với “nguồn tài nguyên” mà chúng ta có thể khai thác. Quả thực, trong ba năm trở lại đây, ICDREC, Trung tâm Nghiên cứu triển khai thuộc Khu Công nghệ cao (SHTP Labs) liên tục cho ra đời nhiều nghiên cứu về các con chip cùng các ứng dụng của nó, thế nhưng số lượng DN tìm đến và ứng dụng vẫn còn rất khiêm tốn.
 
Đối với ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam, Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2457/QĐ-TTg và Quyết định 2441/QĐ-TTg trở thành động lực cho sự phát triển. Đón đầu chương trình này, TP Hồ Chí Minh đã triển khai “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020”. Qua ba năm triển khai, chương trình đã đề ra nhiều mục tiêu, chương trình mới để đưa ngành công nghiệp còn non trẻ này “cất cánh” nhưng đến nay, vẫn chưa đạt được như ý muốn.
 
Nếu như trong các chương trình hợp tác với các đối tác vốn là “cường quốc” về vi mạch như Nhật Bản, Mỹ, các đơn vị nghiên cứu đã “đứng ngang hàng” với nhiều hợp đồng lớn, thì ở thị trường trong nước, trong đó có khâu thương mại hóa, vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan chức năng cần tích cực triển khai các chương trình, tạo cơ chế để khuyến khích đơn vị nghiên cứu và DN cùng tham gia hợp tác; triển khai các chính sách về sản xuất quy mô nhỏ nhằm tạo lòng tin cho các DN; triển khai các chương trình quảng bá, giới thiệu chip Việt đến các DN một cách rộng rãi hơn.
 
THẢO VY
 
Nguồn: Báo nhân dân điện tử

Tin tức khác