Tầm nhìn đến năm 2045, Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ trở thành một tiểu khu đô thị khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo.
Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM vừa tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp nhằm thông tin về các quy định mới liên quan đến hoạt động đầu tư.
Theo ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, TP Thủ Đức là động lực kinh tế mới của TP.HCM. Dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo và đề án khu công nghiệp sáng tạo, TP Thủ Đức có 3 trụ cột chính là trung tâm tài chính Thủ Thiêm, Đại học quốc gia TP.HCM, Khu công nghệ cao. Trong đó, tầm nhìn 2045, Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ trở thành một tiểu khu đô thị khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Anh Tuấn
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Thi cũng nhìn nhận, hiện tại khu công nghệ cao chưa có được hình hài của khu đô thị. Ngoài phân khu sản xuất phát triển khá nhanh, các phân khu còn lại như đào tạo, ươm tạo, dịch vụ thông thường chưa phát triển đúng mức.
“Khu công nghệ cao hiện tại hoạt động theo ca, làm theo giờ hành chính, đến giờ thì công nhân về. Khu đô thị sáng tạo tương tác cao, phải sống 24/7 suốt 365 ngày, không ngủ nghỉ”, ông Nguyễn Anh Thi nói.
Mục tiêu 2030, khu công nghệ cao sẽ trở thành khu công viên khoa học công nghệ kinh tế, nhiệm vụ trọng tâm là phát triển khoa học. Chỉ tiêu của khu công nghệ cao không phải là giá trị sản xuất mà là phát triển được công nghệ lõi. Chẳng hạn, một năm doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động R&D bao nhiêu tiền trên tổng doanh thu, tạo ra bao nhiêu sáng chế và thương mại hóa các sáng chế đó như thế nào.
Ông Nguyễn Anh Thi còn cho biết một số doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghệ cao nhưng chưa nắm rõ được vai trò, vị trí, sứ mệnh, tầm nhìn của đơn vị này. Doanh nghiệp còn nhầm lẫn khu công nghệ cao với khu chế xuất.
Khu công nghệ cao TP.HCM là một trong 3 khu công nghệ cao quốc gia, có nhiệm vụ xây dựng nền tảng về khoa học công nghệ, là yếu tố đầu vào để xây dựng các ngành công nghiệp. Như vậy, đầu ra của khu công nghệ cao là đầu vào của khu chế xuất công nghiệp.
Trong khu công nghệ cao có phân khu sản xuất, nhưng đây là phương tiện hỗ trợ cho mục tiêu phát triển năng lực nội sinh của Việt Nam.
Trong giai đoạn tới, Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ tập trung vào phát triển năng lực công nghệ trong ba lĩnh vực: lĩnh vực vi mạch bán dẫn; công nghệ sinh học; hàng không vũ trụ.
Với Nghị quyết 98, Ban quản lý Khu công nghệ cao được tái lập thẩm quyền, trực tiếp xử lý cấp phép, thẩm định, phê duyệt báo cáo tác động môi trường. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng được giao thẩm định, phê duyệt điều kiện xây dựng theo quy hoạch 1/500 các dự án đầu tư.
Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Đào - Chánh văn phòng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, trước đây ban quản lý đã thực hiện nội dung này, tuy nhiên qua quá trình thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền này chuyển cho cơ quan chuyên môn thực hiện.
Từ khi có Nghị quyết 98, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã thực hiện thủ tục này cho các doanh nghiệp tại khu công nghệ cao.
Tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết 98, ngày 1/8/2023 đến ngày 30/3/2024, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã tiếp nhận và giải quyết 18 hồ sơ cấp giấy phép môi trường, 6 hồ sơ thẩm định và phê duyệt đồ án hoặc điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao.
Võ Liên
Theo Sở hữu trí tuệ