SỨC MẠNH CỦA SỰ LIÊN KẾT
Tin tức

Đọc báo thay bạn

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á?
26/09/2022
Theo báo Sputnik, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đã chỉ ra những nguyên nhân giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023, như dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á? (Nguồn: Báo Tài nguyên Môi trường)
Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á? (Nguồn: Báo Tài nguyên Môi trường)
Kinh tế thế giới hiện đang biến động và tăng trưởng rất thấp. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã 5 lần điều chỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới và lần nào cũng điều chỉnh xuống.
Hiện Việt Nam đang cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-7%/năm, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo có thể đạt 7,5%.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, tình hình thế giới và trong nước thay đổi sẽ tác động lớn tới doanh nghiệp. Các thay đổi đó đòi hỏi doanh nghiệp phát triển sản phẩm, công nghệ, kết nối theo chuỗi giá trị và thực hiện chuyển đổi số, kết nối với khách hàng trong và ngoài nước; đồng thời, cần nâng cao tính công khai minh bạch trong quy trình sản xuất và kinh doanh; nâng cao tính năng động, kết nối quốc tế và trong nước, từ bỏ cách kinh doanh theo kinh nghiệm và truyền thống, sẵn sàng chấp nhận cái mới.
Trước những biến động của thị trường thế giới và cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp phải tái cơ cấu sản xuất, điều chỉnh chiến lược, linh hoạt và năng động hơn.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, trong năm 2022, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những rủi ro thách thức mới. Do vậy, cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vượt qua khó khăn để có thể trụ vững và hoạch định chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Dù vậy, sau hai năm dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vẫn khát vốn, gặp khó khăn tài chính, trong khi lãi suất cho vay tăng cao (15%-16%/năm).
Ngoài ra, việc giải ngân gói cứu trợ chậm đến công nhân ở nhiều tỉnh, thủ tục hành chính chồng chéo, phức tạp. Chi phí về thời gian và tiền bạc cũng khiến cho doanh nghiệp giảm năng lực cạnh tranh.
Ngành bất động sản hiện đóng góp trực tiếp khoảng 10% GDP và gián tiếp khoảng 20% GDP thông qua các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý về bất động sản chưa được đồng bộ và đang cho thấy nhiều bất cập chưa được bổ sung sửa đổi.
Thêm vào đó, ngân hàng siết tín dụng dẫn tới lượng cung mới và giao dịch bất động sản giảm.
Kinh tế hộ gia đình hiện nay tại Việt Nam chiếm 32%, là mức tỷ trọng cao. Do vậy, các cơ quan, hiệp hội phải hỗ trợ liên kết các kinh tế hộ gia đình trở thành doanh nghiệp.
Nếu được trợ giúp về khoa học công nghệ, tuân thủ các quy định về hạch toán, biên lai, chứng từ, không phải nộp thuế khoán như hiện nay, các doanh nghiệp này sẽ có thể phát triển rất mạnh mẽ.
TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: "Thời gian tới, cần cải cách các thủ tục, khuyến khích nâng cấp hộ kinh doanh lên doanh nghiệp có đăng ký, hoạt động theo luật doanh nghiệp.
Điều này sẽ giúp huy động được nguồn lực trong dân; đồng thời, cần khuyến khích các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư vào khoa học-công nghệ như vận dụng kinh tế số trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông-lâm- thủy sản…
Để nông nghiệp phát triển, cần sửa Luật Đất đai, tạo điều kiện để chuyển sang nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, tiến hành cơ giới hóa và sử dụng các công nghệ tưới tiêu hiện đại.
Việc Mỹ đánh thuế cao các sản phẩm hàng hóa từ Trung Quốc có thể là cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Các doanh nghiệp cần phối hợp với nhà chức trách, xác định rõ xu hướng thị trường, tìm kiếm các cơ hội mới để phát triển doanh nghiệp.
Nếu thấy có cơ hội phải tranh thủ tận dụng, bởi các nước khác cũng đang cạnh tranh với những sản phẩm của Việt Nam".
Theo Baomoi.com
 

Tin tức khác