SỨC MẠNH CỦA SỰ LIÊN KẾT
Tin tức

Đọc báo thay bạn

Liên kết đào tạo nguồn nhân lực vi mạch
04/05/2023
Các chuyên gia trong ngành vi mạch nhận định, đầu tư nhà máy sản xuất chip (thường gọi là fab) đòi hỏi vốn lớn, rủi ro cao nên trong ngắn hạn không phải là lựa chọn của các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng ít lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này nên đầu tư nguồn nhân lực vi mạch là lựa chọn hợp lý hiện nay.

Hợp tác với các “ông lớn” công nghệ

Cuối tháng 3 vừa qua, Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) và Công ty CP Tập đoàn Sun Electronics đã đưa vào vận hành Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (IETC, đặt tại Trung tâm Đào tạo SHTP). Trung tâm cung cấp các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn IPC (International Process Control), là tiêu chuẩn quản lý, vận hành nhà máy sản xuất điện tử đang được áp dụng rộng rãi bởi các tập đoàn công nghệ thế giới và tiêu chuẩn PD (Product Design) đào tạo thiết kế sản phẩm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế.
Trung tâm IETC hoạt động phi lợi nhuận, do các chuyên gia người Việt Nam làm việc lâu năm ở các tập đoàn điện tử lớn ở Thung lũng Silicon (Mỹ) trực tiếp giảng dạy. Đối tượng đào tạo là những kỹ sư đang làm việc tại doanh nghiệp, các sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, cao đẳng, những doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực điện tử, vi mạch…

Đại diện hãng Synopsys giới thiệu về chương trình đào tạo vi mạch tại Trung tâm Thiết kế vi mạch SHTP

Đại diện hãng Synopsys giới thiệu về chương trình đào tạo vi mạch tại Trung tâm Thiết kế vi mạch SHTP

Trước đó, 24 giảng viên đầu tiên đã được trao chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo giảng viên thiết kế vi mạch do Trung tâm Thiết kế vi mạch của SHTP (SHTP Chip Design Center - SCDC) tổ chức, nhằm góp phần xây dựng và phát triển ngành công nghiệp vi mạch của TPHCM. Xuyên suốt khóa học, các giảng viên tham gia lớp nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ thực hành từ các kỹ sư dày dạn kinh nghiệm của hãng Synopsys.
Đặc biệt, các giảng viên tham gia được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy độc quyền của Synopsys, từ đó có thể xây dựng chương trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn cho công tác đào tạo sau này.
SCDC được thành lập cuối năm 2022 theo thỏa thuận hợp tác giữa Ban quản lý SHTP và tập đoàn cung cấp công cụ thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới Synopsys (Mỹ).
Ông Robert Li, Phó Chủ tịch kinh doanh của Synopsys (phụ trách vùng lãnh thổ Đài Loan và Nam Á) cho biết: “SHTP là trung tâm đổi mới của ngành công nghệ cao Việt Nam. Synopsys sẽ hỗ trợ SHTP thành lập trung tâm thiết kế chip với công nghệ tiên tiến của Synopsys và các sáng kiến của chương trình hỗ trợ đại học”.
Ông Robert Li cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay của ngành sản xuất chip là thiếu nguồn nhân lực, trong khi Việt Nam có thế mạnh này và chi phí còn thấp so với các nước khác trong khu vực như Singapore, Malaysia… SCDC là cơ sở hạ tầng quan trọng để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Qua đó, Synopsys cung cấp các bản quyền phần mềm thiết kế đến các trường, viện thông qua mạng riêng ảo (VPN); tổ chức các khóa đào tạo Train-the-Trainers về thiết kế vi mạch cho giảng viên các trường, viện; tổ chức các khóa đào tạo cao cấp về thiết kế vi mạch...

Chọn hướng đi phù hợp

“Việc thành lập SCDC và IETC - hai trung tâm quan trọng, hợp thành một hệ sinh thái đào tạo hoàn chỉnh tại SHTP sẽ góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành điện tử, vi mạch. Đây cũng là bước chuẩn bị hết sức quan trọng trong công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp có vị trí chiến lược như công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Điều này từng bước củng cố cho mục tiêu “Việt Nam là trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới”, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý SHTP, cho biết.
Theo số liệu của SHTP, TPHCM là nơi tập trung hơn 80% doanh nghiệp và nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Việt Nam. Riêng tại SHTP, ngoài các doanh nghiệp chuyên về thiết kế vi mạch như SNST Finger&ADT Technology (Hàn Quốc), Microchip (Mỹ), còn có Intel (Mỹ), OIEC (Việt Nam)… tạo nên hệ thống cơ sở để phát triển ngành vi mạch.
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp bán dẫn là cốt lõi của công nghiệp điện tử. Năm 2022, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam xuất khẩu trị giá hơn 120 tỷ USD, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Do vậy, cần phát triển thêm nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, kỹ sư có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Theo GS-TS Đặng Lương Mô, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực vi mạch bán dẫn, Việt Nam cần tập trung vào thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch (tức công nghiệp điện tử) và đi thẳng vào khâu thiết kế, bao gồm thiết kế sản phẩm (product design) và thiết kế chip (chip design).
“Ngoài nguồn lực quan trọng trong nước, còn có thể mời gọi người Việt Nam đang làm việc ở các nước phát triển, đặc biệt là tại Thung lũng Silicon ở Mỹ. Chúng ta cần có chính sách tốt hơn để tận dụng nguồn lực này trong chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong nước”, GS-TS Đặng Lương Mô chia sẻ.
 
BÁ TÂN
Theo Baomoi.com

Tin tức khác

Back to Top