Trong số các ngành nghề hấp dẫn hiện nay ở nước ta, vị trí hàng đầu thuộc về ngành bán dẫn. Việt Nam được mệnh danh là điểm đến tìm kiếm nhân sự cho nhiều quốc gia đang cần nguồn nhân lực ngành bán dẫn.
Nắm bắt xu thế đó, năm 2024, hàng loạt trường đại học đẩy mạnh công tác đào tạo ở ngành học này.
Nghề hấp dẫn, vì sao?
Bán dẫn không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học (ĐH) lớn ở nước ta triển khai đào tạo từ nhiều năm nay nhưng nó được biết đến rầm rộ hơn từ mùa tuyển sinh 2024.
Năm nay, Trường ĐH Phenikaa tuyển sinh ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (Thiết kế vi mạch - bán dẫn) với 50 chỉ tiêu ở các tổ hợp A00, A01, C01, D07. Trong khi đó, Trường ĐH FPT tuyển 1.000 chỉ tiêu Thiết kế vi mạch - bán dẫn và xem xét cấp học bổng lên đến 100% chương trình học cho tất cả thí sinh đăng ký chuyên ngành này.
ĐH Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, đó là các ngành: Điện tử Viễn thông; Thiết kế vi mạch; Hệ thống nhúng; Điện/Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính/Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và nano với tổng số hơn 3.300 sinh viên.
Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022 - 2027. Trên toàn cầu, thị trường chất bán dẫn sẽ tăng trưởng 13,1% trong năm 2024, đạt mức kỷ lục 588,36 tỷ USD và dự kiến tăng lên 990 tỷ USD vào năm 2030, theo tổ chức Số liệu thương mại chất bán dẫn toàn cầu (WSTS).
Nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam vào tháng 9/2023, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành đối tác đặc biệt toàn diện. Một trong những nội dung hợp tác được thống nhất đẩy mạnh đó là hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác trong giáo dục và đào tạo.
Mỗi năm Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo hơn 3.300 sinh viên liên quan ngành Điện tử, bán dẫn. Ảnh: Phạm Hùng
Cụ thể, Mỹ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Mỹ ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn - vi mạch, ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn - vi mạch tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.
Hiện có trên 50 DN FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại Mỹ, mức lương trung bình của kỹ sư bán dẫn lên tới gần 8.500 USD/tháng. Tại Nhật, nhà sản xuất chip Tokyo Electron trả gần 305.000 yen (gần 2.200 USD/tháng) cho sinh viên mới ra trường có thể làm việc ngay.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), kỹ sư bán dẫn có bằng cử nhân nhận lương khởi điểm khoảng 38.000 - 42.000 Đài tệ (25 - 33 triệu đồng). Cùng vị trí này nhưng có bằng thạc sĩ, người lao động có thể nhận 33 - 37 triệu đồng hoặc 46 - 55 triệu đồng nếu có bằng tiến sĩ.
Còn tại Việt Nam, trung bình lương sau thuế trong năm đầu đi làm của kỹ sư thiết kế chip là gần 220 triệu đồng (hơn 18 triệu đồng/tháng) và tăng dần theo từng năm. Với 5 năm kinh nghiệm, người làm công việc này có thu nhập trên 330 triệu đồng/năm. Con số này tăng dần lên hơn 800 và 1,3 tỷ đồng nếu có 15 - 20 năm kinh nghiệm.
Nhu cầu nhân sự lớn
Quy mô thị trường lớn khiến nhu cầu về nhân sự ngành bán dẫn cũng bùng nổ. Theo Số liệu thương mại chất bán dẫn toàn cầu, đến năm 2030, thế giới sẽ cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip.
Hai năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho chuỗi sản xuất chip toàn trình với khoản đầu tư hàng tỷ USD từ các công ty Mỹ và Hàn Quốc. Amkor Technology - Tập đoàn công nghiệp bán dẫn lớn của thế giới có trụ sở tại Arizona đã khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD. Samsung cũng có kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Hana Micron Vina (Hàn Quốc) khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Bắc Giang với đăng ký đầu tư gần 600 triệu USD…
Việt Nam còn là điểm đến tìm kiếm nhân sự cho nhiều quốc gia đang cần nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Tháng 5/2024, đoàn làm việc của 19 DN, đại học Đài Loan (Trung Quốc) đến Việt Nam để phỏng vấn sinh viên cho chương trình cao học hoặc thực tập với nhiều hỗ trợ. Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.
Xác định ngành bán dẫn góp phần tăng trưởng cực lớn cho nền kinh tế, tháng 5/2024, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ ký kết giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) với Tập đoàn Cadence Design System, Inc (tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế hệ thống điện tử) về công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Chương trình tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận công nghệ và phương pháp mới nhất trong thiết kế IC và thiết kế hệ thống, đồng thời tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn để đạt được thành công trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn, góp phần phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cho TP Hồ Chí Minh cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - AI, Bigdata,…
Trong giai đoạn 2019 - 2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Ba lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hàng năm mạnh nhất là Máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), Công nghệ kỹ thuật (10,6%).
Các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch: nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn: có các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu…; nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch: các ngành đào tạo phù hợp nhất là kỹ thuật điện tử, điện tử - viễn thông; các ngành gần bao gồm kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử…
Việc đào tạo có thể tuyển mới đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1 - 2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1 - 2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn - vi mạch.
Đơn cử, tại ĐH Bách khoa Hà Nội, lộ trình đào tạo các cử nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực chip bán dẫn đã rút ngắn đào tạo tại DN từ 6 - 9 tháng xuống 3 - 6 tháng. Cùng với đó, nhà trường còn có các hoạt động nhằm tăng số lượng, nâng chất lượng của nguồn nhân lực chip bán dẫn như tổ chức các khóa học ngắn hạn, đào tạo chuyển đổi kỹ sư ngành gần, phối hợp với DN trong hoạt động xây dựng chương trình, đào tạo dựa trên dự án...
Với nhiều cơ hội việc làm và mức thu nhập, ngành bán dẫn chắc chắn thu hút sự quan tâm của thí sinh, phụ huynh trong mùa tuyển sinh 2024 và các năm tiếp theo.
Nam Du
Theo Kinh tế đời sống