SỨC MẠNH CỦA SỰ LIÊN KẾT
Tin tức

Đọc báo thay bạn

Khu Công nghệ cao TPHCM cần chú trọng phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, chíp
29/05/2023
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cần chú trọng phát triển lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn, chíp mà cả thế giới đều quan tâm.

Link thời sự (theo HTV Tin tức): https://www.youtube.com/watch?v=rGQvCRcimQ8

Khu Công nghệ cao TPHCM cần chú trọng phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, chíp

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Minh Quân

Chiều 11.5, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn dầu đã đến thăm và làm việc tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh là một trong những nơi đi đầu về khoa học công nghệ, với nỗ lực huy động nguồn lực trong và ngoài nước, nhất là huy động được đội ngũ tri thức mạnh, thực hiện đổi mới sáng tạo để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố và cả nước.
“Điều này giúp chúng ta tiệm cận được với khoa học công nghệ của khu vực và trong một số lĩnh vực tiệm cận được quốc tế” - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói.
Định hướng thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, Khu Công nghệ cao phải xác định khâu đột phá, phải lựa chọn lĩnh vực mũi nhọn để phát triển. Đó là chú trọng đến lĩnh vực về điện tử, vi mạch bán dẫn, chíp mà cả thế giới đều quan tâm.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh, thu hút trí thức trong điều kiện hiện nay là lĩnh vực rất khó nên cần xây dựng cơ chế chính sách mang tính đột phá, phát huy sức mạnh giá trị văn hóa con người Việt Nam với tinh thần đổi mới sáng tạo. Chính sách đào tạo và hỗ trợ nhân tài sắp tới phải thúc đẩy nữa, đặc biệt với chuyên gia nước ngoài mong muốn đóng góp cho Việt Nam.

Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, sau hơn 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Khu Công nghệ cao đã triển khai đồng bộ 7 phân khu chức năng theo quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao.
Khu Công nghệ cao đã thu hút được 160 dự án, trong đó có 70 dự án sản xuất công nghệ cao, 19 dự án dịch vụ công nghệ cao, 19 dự án nghiên cứu triển khai (R&D); 23 dự án công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao… Trong 51 dự án FDI, có các tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia)...

Tính đến nay, số lượng chuyên gia khoa học công nghệ người nước ngoài và chuyên gia Việt kiều làm việc trong các doanh nghiệp tại đây khoảng hơn 570 người. Trong đó, hơn 20 chuyên gia Việt kiều đã trở về làm việc theo cơ chế cộng tác viên tại 3 đơn vị sự nghiệp khoa học trong khu và 5 chuyên gia theo cơ chế chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, bên cạnh những kết quả quan trọng về thu hút đầu tư, đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu của TP Hồ Chí Minh và cả nước, điều quan trọng là tại Khu Công nghệ cao đã hình thành nên những hệ sinh thái ngành mạnh và những cơ sở hạ tầng về khoa học công nghệ làm tiền đề cho sự phát triển ở giai đoạn tiếp theo với trọng tâm là phát triển năng lực nội sinh.
“Khu Công nghệ cao xác định tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành tiểu đô thị khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước” - ông Nguyễn Anh Thi nói.

Theo báo Lao Động

Tin tức khác