Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, số liệu thống kê của Công ty Nghiên cứu Technavio mới đây cho thấy, thị trường chất bán dẫn của nước ta dự kiến tăng thêm 1,65 tỷ USD giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) khoảng 6,52%/năm.
Nhu cầu sử dụng lớn
Theo Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT, Bộ TT-TT), năm 2021, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhu cầu sử dụng vi mạch lớn nhất, khoảng 50% toàn cầu với ước tính giá trị khoảng 300 tỷ USD. Các khu vực còn lại như châu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có nhu cầu sử dụng chip của mỗi khu vực khoảng 100 tỷ USD… Mặc dù được đặt kỳ vọng rất cao nhưng trên thực tế, ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đa số các doanh nghiệp chưa có kế hoạch phát triển tầm cỡ quốc gia, chưa đầu tư bài bản. Hiện tại, nước ta vẫn đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài của các tập đoàn như Broadcom, Hitachi, Qualcomm, Samsung, SK Hylix...
Nghiên cứu sản xuất vi mạch tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT, cho biết, tốc độ phát triển lĩnh vực CNTT-TT của Việt Nam tăng từ 7%-9% mỗi năm. Năm 2021, doanh thu ngành đạt 130 tỷ USD, trong đó lĩnh vực phần mềm chiếm khoảng 5,5 tỷ USD, phần cứng là 110 tỷ USD. Tuy nhiên, mảng phần cứng hiện có đến 99% thiết bị điện tử - viễn thông đang sử dụng đều là của nước ngoài. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để tạo điều kiện cho việc ưu tiên đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Vậy nhưng, trong nhiều năm qua, ngành vi mạch trong nước vẫn loay hoay, chưa có hướng đi rõ ràng.
“Việc nghiên cứu sản xuất công nghiệp vi mạch bán dẫn đang được hưởng nhiều ưu đãi từ Chính phủ, tuy nhiên để phát triển thành công cần lộ trình bài bản và cụ thể hơn”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nhấn mạnh tại hội thảo “Giải pháp và cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam” do Cục Công nghiệp CNTT-TT và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) tổ chức mới đây.
Tập trung đào tạo và thiết kế
Các chuyên gia CNTT-TT cho rằng, Việt Nam có lợi thế lớn về quy mô dân số, nhu cầu nguồn nhân lực thiết kế chip, đồng thời là quốc gia đang nhận được sự đầu tư của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới - là điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp sản xuất chip bán dẫn trong nước, Nhưng để phát triển được ngành vi mạch trong nước như mong đợi, đòi hỏi lãnh đạo các cấp, nhất là cấp chiến lược cần hành động quyết liệt, có tầm nhìn và quyết tâm chính trị cao.
Đề xuất cụ thể, TS Huỳnh Phú Minh Cường, Phó Trưởng khoa Điện - điện tử, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, để sản xuất ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, cần hình thành công ty thiết kế vi mạch do người Việt Nam làm chủ. Do vậy, cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân sự giỏi vì thực tế Việt Nam chưa có nhiều kỹ sư trình độ cao trong thiết kế vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn, cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án nghiên cứu chế tạo vi mạch, chip bán dẫn từ các trường, viện, doanh nghiệp khởi nghiệp…, bởi muốn thiết kế con chip phải mất từ 2-3 năm, chi phí lên tới hàng triệu USD.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Nghiên cứu sản xuất, Tập đoàn Viettel, Việt Nam nên tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất chip IC, sớm đưa ra những chính sách xuyên suốt, dài hạn để thu hút nhân lực chất lượng cao. Đồng thời tăng cường hợp tác giữa Chính phủ với các công ty lớn nhằm đưa Việt Nam phát triển ngành sản xuất IC; từ đó chúng ta có thể mua được máy móc, thiết bị, học hỏi kinh nghiệm… từ đối tác nhiều hơn.
Mới đây, Khu Công nghệ cao TPHCM đã khánh thành Trung tâm Thiết kế vi mạch (SCDC) và ra mắt Phòng thiết kế vi mạch (Chip Design Lab). SCDC là nơi cung cấp phần mềm thiết kế đến các trường, viện; tổ chức khóa đào tạo về thiết kế vi mạch cho giảng viên các trường, viện.... Còn Chip Design Lab là cơ sở hạ tầng để triển khai các nội dung hợp tác mà SHTP đã ký kết với các đối tác chuyên về thiết kế vi mạch. “Trong ngắn hạn, SHTP tập trung vào thiết kế, là công đoạn có giá trị gia tăng cao của quá trình sản xuất vi mạch bán dẫn. Riêng về công nghệ và sản phẩm đặc trưng, điểm nhấn trọng tâm phát triển của SHTP vẫn là vi mạch, cụ thể là phòng thí nghiệm chế tạo (fablab), sẽ tạo ra sự khác biệt cho SHTP”, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý SHTP, nhấn mạnh.
Đánh giá về triển vọng của ngành vi mạch TPHCM nói riêng, cả nước nói chung, GS-TS Đặng Lương Mô, cố vấn cho SHTP, người đóng vai trò quan trọng đề xuất thiết lập và cố vấn cho Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch, đặt niềm tin: “Từ những tín hiệu tốt này, tôi hy vọng lần này sẽ được nhìn thấy nền công nghiệp vi mạch của Việt Nam thực sự thành hình với cả 2 mảng thiết kế và chế tạo”.
Theo Baomoi.com